Mặc dù dư nợ tín dụng cho bất động sản tăng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống song ngân hàng vẫn thận trọng khi cho vay bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết.
Dư nợ tín dụng bất động sản cao hơn so với toàn hệ thống. Ảnh: Tâm An
|
Dư nợ tín dụng tăng cao
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, một trong những dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản (BĐS) thời gian vừa qua đã có tín hiệu cho thấy sự phục hồi là dòng tiền đang hướng mạnh đổ vào BĐS thể hiện qua con số dư nợ tín dụng BĐS đến hết quý III/2014 đã tăng 12% trong khi dư nợ tín dụng chung chỉ đạt khoảng 6%.
TS. Hoàng Kim Huyền, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cung cấp số liệu cho thấy 9 tháng đầu năm 2014 dư nợ tín dụng BĐS đã tăng tới 10,8% so với đầu năm và mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống, xấp xỉ 7% và so với tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS bình quân giai đoạn 2011-2013 (7,2%).
Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng BĐS cũng có xu hướng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tín dụng đối với cầu BĐS, giảm tỷ trọng đối với nguồn cung.
“Đây được coi là xu hướng chuyển dịch tích cực trong bối cảnh cung dư thừa tại nhiều phân khúc không đáp ứng được cầu thực của thị trường. Xu hướng này cũng tạo kỳ vọng tăng sức cầu BĐS tại các phân khúc nhà ở xã hội, căn hộ và đất nền để ở”, bà Huyền dự báo.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng cho BĐS đã giảm mạnh trong giai đoạn cuối năm 2011 đến 2013 xuất phát từ chính sách kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào BĐS của Ngân hàng Nhà nước như đưa tín dụng BĐS vào danh mục tài sản có rủi ro cao nhất tại các ngân hàng thương mại với mức 250%, hạn chế tín dụng phi sản xuất, lãi suất cho vay giao động ở mức 20-25%/năm…
TS. Hoàng Kim Huyền nhận định thời kỳ trên giới kinh doanh BĐS rơi vào tình trạng bi đát nhất trong khoảng 10 năm trở lại.
Ngân hàng vẫn thận trọng
Mặc dù thừa nhận dư nợ tín dụng cho BĐS đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua nhưng Thứ trưởng Nam cũng cho rằng, ngân hàng vẫn thận trọng trong việc cho vay BĐS.
Biểu hiện cụ thể qua việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ trong khi Bộ Xây dựng đã mở hết cỡ với mong muốn thị trường BĐS phát triển, cùng lúc ngân hàng lại rất “thận trọng” do việc triển khai ồ ạt hoặc quá thoáng dẫn dễ đến tình trạng nợ xấu cho ngân hàng.
Thứ trưởng cũng phủ nhận đánh giá về hiệu quả gói tín dụng 30.000 tỷ thông qua con số giải ngân với lý do phải đánh giá trên hợp đồng cam kết cho vay với con số lên đến 8.000 tỷ đồng mới hợp lý vì việc giải ngân phải thực hiện theo tiến độ cam kết cho doanh nghiệp, cá nhân vay từng giai đoạn.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nam cũng cho biết, việc chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được tổ chức tài chính hoặc tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam thực hiện bảo lãnh việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai là siết lại hoạt động của các doanh nghiệp BĐS trong mối quan hệ với nân hàng, tổ chức tín dụng.
Thứ trưởng Nam chia sẻ rằng mặc dù ủng hộ doanh nghiệp tuy nhiên với quy định này sẽ đảm bảo cho thị trường, loại trừ các nhà đầu tư kém năng lực, kém uy tín góp phần giảm nguồn cung ảo.
“Hiện tồn kho bất động sản còn nên không khuyến khích bán nhà hình thành trong tương lai. Như thế nó còn lại những doanh nghiệp tiềm lực tài chính lớn không đi vay ngân hàng, những doanh nghiệp tiềm lực không tốt sẽ hạn chế phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE