Ngân hàng phải gánh trách nhiệm thay chủ đầu tư?

Cập nhật 15/10/2013 15:45

Khi ký hợp đồng bán nhà hình thành trong tương lai, chủ đầu tư cần có bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tài chính. Các đơn vị này sẽ thực hiện nghĩa vụ thay chủ đầu tư trong hợp đồng với người mua nhà.

Khi ký hợp đồng bán nhà hình thành trong tương lai, chủ đầu tư cần có bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tài chính. Các đơn vị này sẽ thực hiện nghĩa vụ thay chủ đầu tư trong hợp đồng với người mua nhà.

Các dự án chỉ được huy động vốn từ khách hàng khi đã xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: Hoàng Anh.

Trong dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (BĐS) và nhà ở sửa đổi vừa đưa ra lấy ý kiến, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ có một số quy định rõ ràng hơn để chủ đầu tư dự án nâng cao trách nhiệm khi thực hiện. Cụ thể, khi ký hợp đồng bán nhà hình thành trong tương lai, chủ đầu tư cần có bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tài chính. Các đơn vị này sẽ thực hiện nghĩa vụ thay chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư không hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trong hợp đồng với người mua nhà.

Đại diện Bộ Xây dựng lý giải, quy định nói trên sẽ góp phần tăng trách nhiệm của chủ đầu tư trong đảm bảo tiến độ dự án BĐS. Mặt khác, tình trạng đã huy động vốn nhưng lại sử dụng sai mục đích, đầu tư dàn trải mà không tập trung vào dự án chính sẽ được khắc phục.

Ngoài ra, theo quy định trong dự thảo Luật, các chủ đầu tư phải ký quỹ cam kết đầu tư thực hiện dự án. Theo Bộ Xây dựng, quy định này sẽ khiến trách nhiệm của chủ đầu tư sẽ được ràng buộc, nâng cao hơn.

Chủ đầu tư chỉ được huy động vốn lần đầu từ người mua khi đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dự án BĐS. Các lần thứ hai, thứ ba, tỷ lệ vốn huy động phải phù hợp với tỷ lệ hoàn thành, tiến độ bàn giao BĐS. Số tiền ứng trước không vượt quá 90% giá trị hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và người mua.

Cũng theo dự thảo mới, các cá nhân và tổ chức kinh doanh BĐS không nhất thiết phải thông qua sàn giao dịch. Quy định thông qua sàn không bắt buộc, mà chỉ là khuyến khích. Bộ Xây dựng kỳ vọng điều này sẽ giảm thiểu tồn tại, bất cập hiện nay. Cụ thể, theo luật hiện hành, việc bán, cho thuê nhà đất phải thông qua sàn giao dịch BĐS. Quy định này khiến cho người mua, thuê bị tăng thêm thủ tục, chi phí. Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, việc bắt buộc các giao dịch qua sàn chỉ cần khi thị trường nóng sốt, cung không đủ cầu. Còn hiện nay, thị trường trầm lắng, khó khăn, các dự án chào bán nhiều mà không có nhiều người mua, quy định trên không còn phù hợp.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ