Ngân hàng ngoảnh mặt với DN thép

Cập nhật 27/12/2011 14:30

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sản xuất kinh doanh thép năm 2011 có mức tăng trưởng âm từ 10-12% so với năm 2010. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng đều cảnh giác không muốn cho ngành thép vay vốn.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sản xuất kinh doanh thép năm 2011 có mức tăng trưởng âm từ 10-12% so với năm 2010. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng đều cảnh giác không muốn cho ngành thép vay vốn.

Hiện nay lượng thép tồn kho của các DN thành viên Hiệp hội thép lên đến trên 500.000 tấn và tiêu thụ rất chậm. Tháng 10 vừa qua mức tiêu thụ thấp nhất, chỉ đạt xấp xỉ 300.000 tấn. Sang tháng 11 tiêu thụ đã tăng lên 397.000 tấn, nhưng vẫn giảm tới 23% so với tháng 11/2010.

Theo ông Đinh Huy Tam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, 2011 là năm khó khăn chồng chất với ngành thép. Các ngành tiêu thụ nhiều thép như đóng tàu, xây dựng, cơ khí chế tạo, bất động sản bị suy giảm, khiến cho thép không có đầu ra. Bên cạnh đó là chênh lệch tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các đồng ngọai tệ mạnh như USD, Yên, Nhân dân tệ, Euro... tăng cao, thiếu ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu và lãi suất tiền đồng quá cao, làm tăng chi phí đầu vào, khiến nhiều doanh nghiệp không gánh chịu nổi.


Mặc dù cho tới thời điểm hiện tại chưa có DN nào chính thức công bố phá sản, song thời gian qua Công ty thép Đình Vũ (Hải Phòng) đã phải bán nhà máy sản xuất thép để trả nợ. Công ty thép Vạn Lợi, mới đây cũng tiếp bước. Hội đồng cổ đông đã họp và quyết định bán tài sản để trả các khoản nợ vay.

Còn lại hầu hết các DN khác đang phải chịu mức tồn kho tăng cao và giảm sản xuất. Công ty Gang thép Thái Nguyên DN thép lớn nhất cả nước cho biết, tiêu thụ thép thời gian qua của đơn vị chỉ bằng 70-71% so với cùng kỳ 2010 và đã phải cắt giảm sản xuất mức 15%. Thép Hòa Phát, DN lớn thứ 2 cũng cho biết, đã phải cắt giảm 20% công suất do khó khăn thị trường. Công ty Thép Vina Kyoei cũng giảm hơn 7% công suất so với năm 2010, tiêu thụ sản phẩm giảm gần 15%...

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN thì các DN sản xuất thép đang khó khăn lắm rồi, nếu tình trạng này kéo dài thêm vài ba tháng nữa thì chắc chắn mọi khoản lãi có được từ đầu năm sẽ không còn, thậm chí là âm.

Vừa qua, một số DN thép đã chấp nhận bán lỗ, phá giá thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ và giảm lượng hàng tồn kho. Theo ông Cường, nếu tính lúc này thì giá phôi thép đang ở mức 14 triệu/tấn, nên để hòa vốn DN phải bán thép ở mức giá 15,5 triệu đồng/tấn. Thế nhưng, các DN đang chào giá thấp hơn từ 200.000- 300.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, nhu cầu chung của nền kinh tế giảm nên dù có giảm giá thì cũng không thể bán được là bao, ông Cường nói.

Hướng xuất khẩu thép thời gian qua cũng được nhiều DN đẩy mạnh. Trong 11 tháng qua, các DN đã xuất khẩu 1,727 triệu tấn thép các loại, thu về 1,639 tỷ USD. Đây là năm VN có kim ngạch xuất khẩu thép lớn nhất từ trước tới nay. Thị trường xuất khẩu thép lớn của VN là Mỹ và các nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia... Tuy nhiên thép xuất khẩu của Việt Nam đang bị 1 số nước kiện chống bán phá giá và cũng phải cạnh tranh rất gay gắt với thép xuất khẩu của Trung Quốc, Thái Lan...

Thị trường bị thu hẹp, lượng hàng tồn kho lớn, trong khi đó, DN ngành thép vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay. Hiện nay các ngân hàng đang "cảnh giác" với đề nghị vay vốn từ doanh nghiệp liên quan tới các sản phẩm thép. Cho vay liên quan tới thép thời điểm hiện tại tiềm ẩn rủi ro cao nên ngân hàng cũng rất lo ngại.

Thống kê cho thấy hiện ngành thép có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất thép quy mô lớn và trên dưới 100 doanh nghiệp sản xuất thép quy mô nhỏ. Theo Hiệp hội Thép, hiện nay hầu hết doanh nghiệp thép vừa và nhỏ đang rơi vào cảnh "sống dở chết dở", các DN này chỉ sản xuất đạt 50% công suất là nhiều. Những DN dùng nhiều vốn vay, mới đi vào hoạt động và sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu gặp nhiều khó khăn nhất, nguy cơ rủi ro cao, khó tồn tại.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, chủ trương thắt chặt đầu tư công, tín dụng của Chính phủ chắc chắn sẽ còn kéo dài, với đà này khó khăn của ngành thép có thể còn kéo dài sang năm 2012. Trong khi đó đến nay vẫn chưa có lối thoát nào khả dĩ cho các DN thép. Chuyện tồn kho thép cao các cơ quan quản lý đều đã biết, nhưng không tìm được cách nào hỗ trợ, vì các giải pháp đưa ra đều vi phạm quy định WTO về hỗ trợ ngành. Bên cạnh đó thì nguy cơ nhìn thấy là thép ngoại có thể tràn vào đẩy các DN thép trong nước vào tình thế khó khăn hơn.

Tương lai của ngành thép được cho là rất sáng sủa, nhu cầu thép trong những năm tới còn nhiều. Tuy nhiên cho đến nay thì các DN thép đang ngập chìm trong khó khăn chưa biết ngày nào thoát ra. Hiệp hội Thép VN cũng đã đưa ra cảnh báo, sẽ có khoảng 20% số DN thép phá sản trong năm 2012 tới.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF