Ngân hàng gỡ khó cho dân đầu tư nhà đất

Cập nhật 05/12/2011 08:50

Không phải nhào ra vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ như thời gian trước để thanh toán gấp tiến độ cho chủ đầu tư, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã thở phào khi gần đây một số ngân hàng đã có động thái giải quyết, tháo gỡ nhu cầu vốn.

Không phải nhào ra vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ như thời gian trước để thanh toán gấp tiến độ cho chủ đầu tư, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã thở phào khi gần đây một số ngân hàng đã có động thái giải quyết, tháo gỡ nhu cầu vốn.

Chết đuối vớ được cọc


Sau thông tư 8844 của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hoạt động tín dụng cuối năm của các ngân hàng thương mại, trong đó quyết định đưa tín dụng có liên quan đến một số loại hình BĐS ra khỏi nhóm phi sản xuất, giới sản xuất, kinh doanh BĐS đã chờ đợi và khấp khởi hy vọng. Nhưng kết quả trả về là không có chuyển biến gì.

Nhưng chỉ khoảng chục ngày trở lại đây, một số nhà đầu tư tại Hà Nội đã mừng ra mặt khi nhận được một số động thái tháo gỡ, hỗ trợ tín dụng phần nào từ phía ngân hàng như giảm lãi suất vay, nới thời gian trả nợ, cho vay tiêu dùng khi có nhu cầu thực...

Chẳng hạn cuối tháng 11, Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), An Bình Bank vừa thông báo có chính sách hỗ trợ mua nhà dự án bằng mức lãi suất đặc biệt ưu đãi 19%/năm, kéo dài thời gian vay và ân hạn cho khách hàng...

Chị Hoàng Anh (Cầu Giấy - Hà Nội) một nhà đầu tư cho biết, cách đây hơn một tháng, do quá cần tiền trả nợ ngân hàng, chị quyết định bán rẻ mười mấy giá lô đất tại dự án Geleximco, vậy mà cũng không thoát hàng do thị trường "đóng băng". Buộc lòng, chị phải tìm đến các ngân hàng khác hỏi vay, song tất cả đều từ chối với lý do "dừng cho vay BĐS".

Nhưng bất ngờ cách đây ít ngày, một ngân hàng đã đồng ý cho chị thế chấp sổ đỏ để vay tiền. Áp lực trả nợ đã được giảm tải và tất nhiên dù lãi suất còn cao chị vẫn quyết vay nóng để chờ qua 2012 tính tiếp.

Nắm được động thái tích cực ngân hàng nới cho vay tiêu dùng, đặc biệt là mua nhà đất để ở, chị Minh Lâm (Thanh Xuân - Hà Nội) - một nhà đầu tư có nhiều mối quan hệ cho biết, khoảng một tuần trở lại đây, chị đã nhận được rất nhiều điện thoại hỏi thông tin, nhờ vả của bạn bè là các nhà đầu tư để kết nối với các ngân hàng có chính sách hỗ trợ, giải quyết vốn nhanh chóng.

Có thêm vốn, nhà đầu tư quyết giữ hàng chờ thời cơ mới.

Các bạn bè, đối tác của chị chủ yếu quan tâm đến việc được vay vốn để đầu tư, tái đầu tư, trả nợ ngân hàng. Lãi suất ngân hàng nhìn chung vẫn đứng ở mức cao nhưng đã có chiều hướng có giảm nhẹ so với trước. Đặc biệt, nếu chứng minh được nhà đất mua để ở thì ngân hàng vẫn "giải quyết".

"Điều này rất quan trọng đối với các nhà đầu tư khó khăn, gặp áp lực quá lớn về tiền mặt. Bởi so với mức lãi suất từ 27-30% của tín dụng đen, thì các động tác hỗ trợ nói trên của một số ngân hàng là "rất thuận lợi"- vị này cho hay.

Động thái này, đối với dân đầu tư chẳng khác nào như "chết đuối với được cọc", cho nên dù có phải mất công cậy nhờ, vòng vèo thủ tục để chứng minh bằng được mua nhà để ở thì đối với nhà đầu tư đây vẫn là cái phao duy nhất có thể bám vào thời điểm này.

Lợi đôi bên

Nỗ lực hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất, giãn nợ nói trên đối cho khách hàng của một số ngân hàng, được cho là động thái tương trợ nhau trong bối cảnh liên đới mật thiết. Bởi chẳng ngân hàng nào muốn "chết chìm" cùng khách hàng trong lúc khó khăn, áp lực ngổn ngang. Đặc biệt, nếu không hỗ trợ khách hàng, nợ xấu tăng lên thì đúng là không hay ho gì đối với các ngân hàng.

Với nhà đầu tư, gánh nặng trả nợ đã bớt đi phần nào qua các động thái cấp vốn nói trên. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, chiều hướng bán tháo, xả hàng sẽ bị ngăn lại. Hơn nữa, thông tin trần lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm dần thời gian tới, đặc biệt là đồn thổi lãi suất tiền gửi sẽ được kéo về 12%/năm hiện đang khiến giới đầu tư BĐS xôn xao. Rất nhiều người đã quyết giữ hàng để chờ nằm mới.

Đại diện kinh doanh của một sàn BĐS khu vực Văn Phú, Hà Đông ghi nhận hiện nay đất dự án khu vực phía Tây Hà Nội rất hiếm những sản phẩm giá rẻ bất ngờ như "đặt hàng" của những người muốn ôm vào.

Anh này đưa ra một hình dung, ngoài tỷ lệ khoảng 30% người mua đất dự án từ năm ngoái về trước là người ngoại tỉnh, không chịu bán ra vì nhu cầu sử dụng, dành dụm cho con cái, còn lại các nhà đầu tư đã giữ được hàng đến thời điểm hiện nay, lại được cấp vốn từ ngân hàng thì khả năng găm giữ vẫn còn cao.

"Các nhà đầu tư của tôi hiện có tiền, họ gửi lãi cao, mặc cả lãi suất với ngân hàng. Con số trần lãi suất 12% khiến họ sợ hãi. Khi ấy, bất động sản và vàng lại là những lựa chọn cất tiền đầu tiên" - anh này nói.

Bứt phá: còn xa


Ông Nguyễn Ngọc Bách - Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Asia Invest; GĐ Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam cho rằng, việc ngân hàng và khách hàng (các doanh nghiệp, nhà đầu tư) cùng nhau tháo gỡ, lựa cách để giải quyết các khoản tiền nợ là một thực tế. Các động thái nói trên là tích cực cho thị trường nhưng mang yếu tố tâm lý nhiều hơn.

Bởi lẽ, từ góc độ của mình, các ngân hàng đang phải đối mặt với vấn đề thanh khoản, cực kỳ khó khăn về vốn. Minh chứng là trên thị trường liên ngân hàng, rất nhiều khoản vay không thể thanh toán đúng, phải gia hạn. Do đó, chuyện bơm tiền ra, cho vay tới khách hàng không phải là vấn đề được các ngân hàng ưu tiên.

Cũng theo ông Bách, kinh tế vĩ mô hiện nay chưa phải là thời điểm cho quyết định giảm lãi suất. Thời gian qua, biện pháp hành chính áp lãi suất trần huy động giảm xuống 14%/năm đã gây khó khăn cho hoạt động thu hút tiền trong dân. Giờ đây trước bối cảnh tái cấu trúc ngân hàng, vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền nhằm duy trì thu hút vốn là rất quan trọng.

Và như vậy, ngoại trừ một số lượng giao dịch với nhu cầu thực, tiền thực đang và sẽ gia tăng khi mà giá nhà đất giảm đáng kể thì việc trông chờ vào sự khởi sắc, ấm lại đồng loạt của thị trường BĐS vẫn là điều còn xa.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF