Thành phố Hà Nội đang triển khai dự án hạ ngầm đường dây nổi tại năm tuyến phố chính, chấm dứt tình trạng dây điện, dây thông tin chạy...
Thành phố Hà Nội đang triển khai dự án hạ ngầm đường dây nổi tại năm tuyến phố chính, chấm dứt tình trạng dây điện, dây thông tin chạy chằng chịt trên các tuyến phố, khu tập thể, ngõ xóm, làm đẹp cảnh quan đô thị Thủ đô hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Dọn sạch "mạng nhện" trên các tuyến đường trung tâm
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn Hà Nội, có 143.715 km đường dây điện lực và thông tin các loại. Trong đó, đường dây nổi chiếm 87% với tổng chiều dài hơn 126 nghìn km. Ðường dây nổi được treo tùy tiện khắp nơi, chỗ thì được mắc vào cột đèn, cột điện, chỗ thì mắc vào cây xanh, bờ tường, thậm chí cả mái nhà, tạo thành những "mạng nhện", những "thòng lọng", những cái bẫy gây tai nạn. Việc hạ ngầm tất cả các tuyến cáp, đường dây điện ở Hà Nội là nhiệm vụ bức thiết làm đẹp cảnh quan đô thị Thủ đô, bảo đảm an toàn giao thông, nhất là hướng tới dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Năm 2008, thành phố đã phê duyệt dự án thí điểm hạ ngầm dây đi nổi ở năm tuyến đường, với tổng kinh phí hơn 220 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chi hơn 130 tỷ, ngành điện chi hơn 75 tỷ đồng và các đơn vị viễn thông hơn 14 tỷ đồng. Năm tuyến phố lớn tại hai quận Hoàn Kiếm và Ba Ðình được chọn thí điểm ngầm hóa là Ðinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hai Bà Trưng, Tràng Tiền - Hàng Khay, Nguyễn Thái Học - Kim Mã, Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. Dự án do Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, nhằm hạ ngầm tất cả các loại dây bao gồm cả dây điện, thông tin, chiếu sáng và cáp truyền hình.
Các đơn vị đang xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng dọc hai bên hè phố để chuẩn bị "ngầm hóa" dây các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm và đang triển khai trên tuyến phố Hai Bà Trưng. Việc xây dựng hạ tầng hạ ngầm khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm, chiều dài 1.200m được bắt đầu thực hiện từ tháng 11-2008, chia làm ba đoạn gồm đoạn từ số nhà 63 phố Ðinh Tiên Hoàng đến ngã tư phố Lò Sũ - Hàng Dầu; đoạn từ ngã ba phố Hồ Hoàn Kiếm đến ngã năm quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục và đoạn từ ngã tư phố Lương Văn Can - Hàng Gai đến ngã tư phố Bà Triệu - Tràng Thi. Còn trên tuyến phố Hai Bà Trưng, việc hạ ngầm mới được triển khai từ tháng 12-2008, trên tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2.500m từ ngã tư giao với phố Ðặng Thái Thân đến ngã tư giao với đường Lê Duẩn.
Về phương án và thiết kế khi hạ ngầm dây, đồng chí Vũ Mạnh Tuấn, cán bộ Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị Hà Nội cho biết: Ðó là xây dựng hệ thống cống bể ngầm chính dọc hai bên đường, trong mỗi cống bể này đều có tám ống nhiều màu để phân biệt phục vụ các đơn vị quản lý khác nhau sau này. Ngoài ra là hệ thống ganivô (bể chứa) trên hè để phục vụ các đường dây thuê bao đường kính 112/90mm. Từ các ganivô sẽ có ống đường kính 65/50mm đi lên tường vào nhà các hộ dân. Căn cứ vào hiện trạng điều tra, mặt bằng tại hiện trạng, có nơi hệ thống cống bể chính sẽ nằm dưới đường, có nơi đi trên vỉa hè. Việc thi công chủ yếu thực hiện vào ban đêm trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, để tránh tình trạng ùn tắc giao thông và hạn chế những ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Kết hợp "hạ ngầm" và làm hè mới
Tuy nhiên, khi triển khai thi công thí điểm hạ ngầm hai tuyến đầu tiên, dự án cũng gặp không ít khó khăn. Thống kê sơ bộ có đến 50% số dây đang treo trên không của Hà Nội là "vô chủ". Ðó là chưa kể, khi xác định được danh tính, thì đơn vị quản lý lại không có tài chính để thực hiện hạ ngầm dây. Việc thi công cũng không đơn giản. Theo Giám đốc Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị Hà Nội Nguyễn Hữu Sùng, năm tuyến phố thi công hạ ngầm đường dây đều nằm ở khu vực trung tâm thành phố, mật độ giao thông lớn, nhiều cửa hàng kinh doanh sầm uất, cho nên việc thi công ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và kinh doanh hằng ngày của người dân. Chưa kể, trong quá trình thi công lại luôn phát sinh hệ thống dây nổi khiến cơ quan chức năng vừa làm vừa điều chỉnh, bổ sung thiết kế cho đúng với thực tế. Ngoài ra, hệ thống ngầm của Hà Nội cũng rất phức tạp, không kém gì trên không: nào là cống thoát nước, ống nước, dây điện...
Ngoài những khó khăn trên, vì là dự án thí điểm lần đầu triển khai nên không tránh khỏi có những ý kiến nghi ngờ về hiệu quả khi lo ngại đào đường khắp nơi để hạ ngầm. Với tư cách là đơn vị chủ quản, đồng chí Nguyễn Hữu Sùng cũng thừa nhận đúng là thời điểm trước Tết Nguyên đán vừa qua, do muốn đẩy nhanh tiến độ thi công nên Ban quản lý đã huy động và cho phép cùng lúc bốn đơn vị thi công triển khai công việc nên mới xảy ra tình trạng đào đường, đào hè khắp nơi. Tuy nhiên, theo thiết kế của dự án, sau khi thi công cống bể, dự án cũng có gói thầu lát lại hè đường cho đồng bộ và hiện nay, công tác lát hè đang bắt đầu được tiến hành. Ðơn vị chủ quản cam kết sau khi gói thầu này thực hiện xong thì chắc chắn bộ mặt đô thị sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ thực tế vừa qua, tới đây khi triển khai việc hạ ngầm ở những tuyến phố khác, Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị Hà Nội sẽ cố gắng không để xảy ra tình trạng đào đường ngổn ngang khắp nơi, mà thi công đến đâu gọn đến đấy.
Ý tưởng "Thành phố không dây"
Theo kế hoạch, trong tháng 3 này, dự án sẽ hoàn thành các công việc còn lại. Sau đó, Sở Xây dựng sẽ thông báo đến các đơn vị chủ quản hệ thống dây để triển khai việc hạ ngầm. Nếu đơn vị nào không tuân thủ sẽ có các chế tài xử phạt nghiêm, bao gồm cả việc ngừng dịch vụ. Tiếp theo, trong quí II thành phố sẽ khởi công hạ ngầm ba tuyến: Tràng Tiền-Tràng Thi- Ðiện Biên Phủ, Kim Mã- Nguyễn Thái Học và Văn Cao- Liễu Giai- Nguyễn Chí Thanh.
Sắp tới, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng sẽ có buổi làm việc với Hà Nội cùng thành phố Hồ Chí Minh về đề án "Thành phố không dây". Theo đề án này, nguyên tắc xây dựng thành phố không dây là tại khu đô thị quy hoạch mới, những tuyến đường mới thì phải xây dựng cơ sở hạ tầng trước rồi xây dựng các công trình xây dựng, nhà ở sau.
Những đường phố, khu vực được xây dựng từ trước sẽ được cải tạo theo từng tuyến đường, theo nguyên tắc hình thành những đường phố không dây, tiến tới xây dựng thành phố không dây. Nhà nước sẽ làm sẵn đường ống ngầm, doanh nghiệp nào muốn đưa dây xuống hệ thống ngầm phải trả phí, giống như hình thức thuê đường ống. Chi phí cho việc này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc các ngành mạnh ai nấy đào đường, kéo dây, dựng cột như hiện nay. Ðề án xây dựng "Thành phố không dây" có thể xem là một sự hỗ trợ lớn cho Hà Nội trong việc hạ ngầm cáp thông tin, viễn thông và chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho Thủ đô bước vào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân