Hiện nay, pháp luật không cho người nộp thuế được quyền lựa chọn cách tính thuế nên dễ dẫn đến sự bất công giữa những chủ thể mà nhà nước quản lý được hợp đồng và những chủ thể mà nhà nước không quản lý được hợp đồng...
Làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD |
Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy (ảnh), Trưởng bộ môn Luật tài chính-ngân hàng (Đại học Luật TP.HCM), nhận định: “Sự không rõ ràng của pháp luật dễ dẫn đến sự tùy tiện của cơ quan thuế”.
Chưa rõ nghĩa vụ chứng minh
Tiến sĩ Thủy phân tích: Thông tư 161 ngày 12-8-2009 của Bộ Tài chính và Công văn 3929 ngày 24-9-2009 của Tổng cục Thuế quy định: Đối với các trường hợp có đủ điều kiện xác định được giá vốn và các chi phí liên quan thì áp dụng thuế suất 25% trên phần lãi, nếu không đủ điều kiện để tính 25% thì tính 2% trên giá chuyển nhượng.
Có thể hiểu với quy định này, nhà nước đã ưu tiên cho cách tính 25% trước. Nhưng vấn đề là nghĩa vụ chứng minh giá vốn và chi phí thuộc về ai, cơ quan thuế hay người nộp thuế thì các văn bản lại không đề cập.
Nếu nghĩa vụ chứng minh thuộc về người nộp thuế thì người nộp thuế được quyền lựa chọn giữa hai mức thuế suất. Tôi bán một căn nhà, nếu tôi muốn được thu thuế theo mức 25%, tôi sẽ tự tìm cách chứng minh giá vốn và chi phí liên quan. Nếu tôi thấy rằng thu thuế theo mức 2% có lợi hơn thì tôi không cung cấp các hóa đơn, chứng từ.
Ngược lại, nếu nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan thuế, cơ quan thuế có thể thu 25% đối với những trường hợp có thể quản lý được (thường rơi vào những diện mua nền nhà, căn hộ của các dự án). Ngược lại, với những trường hợp mua bán nhà đất đã hiện hữu thì cơ quan thuế khó lòng kiểm soát.
Trong nhiều trường hợp, việc xác định chi phí liên quan hoàn toàn phụ thuộc vào người nộp thuế. Dựa vào hợp đồng mua bán, cơ quan thuế có thể xác định được giá vốn, giá bán. Nhưng nếu họ có sửa chữa, thay đổi kết cấu nhà mà lại không chịu xuất trình hóa đơn, chứng từ liên quan thì cơ quan thuế phải thu theo cách 2% do không thể xác định được chi phí.
Quy định tưởng như cứng nhắc là thế nhưng thu theo cách 2% hay 25% vẫn tùy thuộc vào đối tượng nộp. Thực tế đã như vậy thì tại sao không trao cho người dân quyền lựa chọn để tránh tâm lý lách luật?
Dễ dẫn đến sự tùy tiện
Hiện nay, pháp luật không cho người nộp thuế được quyền lựa chọn cách tính thuế nên dễ dẫn đến sự bất công giữa những chủ thể mà nhà nước quản lý được hợp đồng và những chủ thể mà nhà nước không quản lý được hợp đồng. Từ đó có thể tạo ra cách hành xử mang tính cảm tính của cán bộ thuế.
Chẳng hạn vụ nhà mua 300 triệu đồng, bán được 21 tỷ đồng mà Pháp Luật TP.HCM phân tích, người dân đã phải làm đơn cam kết có sửa chữa nhà nhưng không chứng minh được chi phí. Nhờ đó, họ được áp dụng cách tính 2%. Tuy rằng cách tính này có lợi cho họ hơn nhưng tại sao họ phải làm đơn? Áp dụng Thông tư 161, không xác định được chi phí thì đương nhiên thuộc diện tính thuế theo cách 2%, không phải đơn từ gì cả.
Có phải do tính theo cách 2% thì số thuế phải nộp là 420 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với gần 5,2 tỷ đồng (nếu họ nộp theo cách 25%) nên cơ quan thuế sợ trách nhiệm và đẩy trách nhiệm này về phía người nộp thuế bằng cách bảo họ viết tờ cam kết?
Cũng từ ví dụ căn nhà 21 tỷ đồng nói trên, tôi muốn lưu ý: Tại sao người chuyển nhượng nhà đất được tính 2% khi không chứng minh được chi phí nhưng người góp vốn mua nền nhà, căn hộ không chứng minh được chi phí thì vẫn phải chịu mức thuế 25%? Theo Công văn 3929, lãi vay ngân hàng (có chứng từ) thì được coi là chi phí liên quan.
Nhưng trên thực tế, người mua nền nhà, căn hộ còn vay từ nhiều nguồn khác (người thân, bạn bè...) thì làm sao họ chứng minh được chi phí. Trường hợp này, nếu áp đặt mức thuế 25% thì thật không công bằng cho người nộp thuế.
Nên tính theo bảng giá đất
Thông tư 161 quy định giá tính thuế căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng, trường hợp giá trên hợp đồng thấp hơn bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định thì áp dụng bảng giá đất. Vậy tại sao không quy định ngay là áp dụng bảng giá đất để đỡ phải rắc rối và cơ quan thuế cứ theo đó mà làm cho đơn giản?
Hợp đồng mua bán là hợp đồng dân sự giữa đôi bên, nhà nước không có quyền can thiệp và chắc chắn nhà nước sẽ bó tay với việc quản lý giá giao dịch thực tế. Không chỉ những hợp đồng mua bán nhà đất, kể cả những hợp đồng mua đất dự án cũng chưa chắc ghi đúng giá. Tôi có một anh bạn mua một miếng đất dự án với giá sáu tỷ đồng nhưng trên hợp đồng chỉ ghi có 1,4 tỷ đồng.
Việc giá ghi trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế là nhằm né thuế và nhà nước cũng không thể quản lý được. Như vậy, quy định căn cứ theo giá hợp đồng dễ dẫn đến tâm lý trốn thuế từ phía người dân, không tạo ra được tâm lý tuân thủ pháp luật.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP