Nên cưỡng chế những trường hợp không trả trụ sở cũ

Cập nhật 06/11/2014 13:18

Di dời trụ sở các bộ, ngành T.Ư ra khỏi trung tâm TP Hà Nội là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm giảm sức ép về dân số và giao thông cho nội đô.

Di dời trụ sở các bộ, ngành T.Ư ra khỏi trung tâm TP Hà Nội là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm giảm sức ép về dân số và giao thông cho nội đô.

Thế nhưng, nhiều bộ, ngành mặc dù đã di dời, chuyển đến trụ sở mới khang trang, rộng rãi, vẫn "ôm" đất trụ sở cũ. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, liên quan đến việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, ông có bình luận gì khi nhiều bộ, ngành đã di dời, chuyển đến trụ sở mới rộng rãi nhưng vẫn tiếp tục giữ đất trụ sở cũ?

- Việc di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi nội đô là cần thiết và hợp lý. Khi các bộ, ngành di dời, TP Hà Nội đã cấp đất cho các đơn vị này theo quy hoạch. Vì vậy, trụ sở cũ của các bộ, ngành cũng nên trả lại, để tránh tình trạng quy hoạch lộn xộn và nảy sinh hiện tượng tiêu cực. Việc sử dụng trụ sở cũ của các bộ, ngành để làm gì, phải phụ thuộc vào quy hoạch của Hà Nội, phụ thuộc vào quy định của pháp luật về tài chính đất đai.

Theo quan điểm của tôi, đối với các trụ sở cũ mà bộ, ngành không chịu trả khi đã di dời đến trụ sở mới, Nhà nước nên tiến hành cưỡng chế. Từ trước tới nay, dường như chúng ta mới sử dụng công cụ cưỡng chế đối với các hộ dân, trong khi rất ít sử dụng biện pháp này đối với các cơ quan, cán bộ.

Trụ sở cũ Bộ TN&MT số 83 Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Chiến Công

* Lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, đơn vị giữ lại trụ sở cũ vì phải đảm nhiệm thêm nhiệm vụ, nhân lực gia tăng. Quan điểm của ông về những lý do này?

- Theo tôi, đây chỉ là những lý luận mang tính ngụy biện. Trước đây, trụ sở cũ của các bộ, ngành vẫn đáp ứng được công năng sử dụng, trong khi trụ sở mới có diện tích rộng gấp nhiều lần trụ sở cũ. Khi có chủ trương di dời, các bộ, ngành, cơ quan quy hoạch đã tính toán được kế hoạch dài hạn trong 5 - 10 năm để thiết kế, xây dựng trụ sở mới phù hợp với công năng sử dụng. Không có lý gì nói rằng, đơn vị không trả lại trụ sở cũ vì tăng biên chế.

* Ông nhận định ra sao khi ngay cả Bộ TN&MT - đơn vị mà ông từng công tác cũng viện đến lý do này để xin Chính phủ được giữ lại trụ sở cũ ở 83 Nguyễn Chí Thanh?

- Chúng ta phải đặt vấn đề lại, việc tăng thêm tổ chức, nhân sự của một bộ có đi ngược lại quy trình mà chúng ta mong muốn là tinh giản biên chế hay không? Đây là hai xu hướng mà một mặt bộ vẫn cứ tăng, trong khi mức lương của cán bộ, công nhân viên Nhà nước quá thấp, và yêu cầu về tinh giản biên chế để giảm quỹ lương Nhà nước, chi tiêu ngân sách cho hợp lý. Tuy nhiên, nếu bộ nào cần phải tăng đích đáng thì vẫn phải tăng, còn chỗ nào cần tinh giản, thậm chí loại bỏ một số tổ chức, chúng ta vẫn phải làm.

* Để giữ lại trụ sở cũ, một số bộ, ngành cho biết đã xin phép Chính phủ. Ý kiến của ông thế nào?

- Đối với các bộ, ngành đề nghị giữ lại trụ sở cũ, Chính phủ phải cho ý kiến bằng văn bản. Trong câu chuyện này, Chính phủ và các bộ, ngành phải cùng ngồi lại với nhau rà soát, tính toán để làm rõ tại sao có chuyện xây xong trụ sở mới rồi vẫn không đáp ứng đủ công năng sử dụng. Vậy khi làm dự án tính toán ra sao?

Theo tôi, chúng ta phải nâng cao tư duy đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nếu lạm dụng một mét vuông đất có nghĩa đã lấy của dân bao nhiêu thứ nên phải tiết kiệm, tránh lãng phí.

* Việc các bộ, ngành giữ lại trụ sở cũ phải chăng đã để lãng phí tài sản của Nhà nước và chưa đạt được mục tiêu giảm tải cho nội đô, thưa ông?

- Để xây dựng trụ sở mới của các bộ, ngành, Nhà nước đã phải bỏ ra khoản tiền rất lớn. Luật Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội xác định yêu cầu phải giảm mật độ dân cư trong nội đô và phải bàn giao các phần đất trụ sở bộ, ngành sau di dời cho TP để xây dựng các công trình công cộng, cây xanh. Tuy nhiên, thực tế nhiều bộ, ngành có trụ sở mới nhưng trụ sở cũ vẫn được tiếp tục sử dụng, khiến mục tiêu giảm tải cho nội đô chưa đạt được, khuyết điểm này do công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch mới có dăm năm đã lạc hậu, tức tầm nhìn đó không dài hạn, khiến chúng ta phải thay đổi quy hoạch.

Đối với quan điểm "đất bao nhiêu vẫn hẹp" - các cơ quan Nhà nước cần tư duy lại việc sử dụng quỹ đất của dân xem hợp lý hay lãng phí? Chúng ta phải có những giải pháp xử lý, ví dụ, một bộ có thể không chỉ đóng đô ở một trụ sở, mà còn rải rác ở nhiều nơi, do quá trình lịch sử để lại. Để giải quyết vấn đề này, có thể xây dựng trụ sở nhà cao tầng ở một địa điểm, để trả lại bớt diện tích đất cho nhu cầu chung của dân.

* Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT