Ngày 30/9, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã lấy ý kiến đóng góp của một số sở, ngành, công ty… về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, các quy định liên quan đến xây dựng, quản lý nhà chung cư nhận được nhiều sự quan tâm.
Ngày 30/9, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã lấy ý kiến đóng góp của một số sở, ngành, công ty… về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, các quy định liên quan đến xây dựng, quản lý nhà chung cư nhận được nhiều sự quan tâm.
Đưa ra vấn đề Ban quản trị nhà chung cư, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị: Cần bổ sung quy định về cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn tham gia Ban quản trị, cơ chế hoạt động theo từng loại hình nhà chung cư. Đồng thời bổ sung quy định về các nội dung, thời điểm chuyển giao quyền quản lý nhà chung cư từ Chủ đầu tư sang Ban quản trị và bổ sung trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát việc chuyển giao để tránh những tranh chấp nảy sinh. Đại diện quận Hoàng Mai cũng đưa ra thực tế trên địa bàn cũng xảy ra nhiều tranh chấp giữa Ban quản trị nhà chung cư và chủ đầu tư về diện tích chung, quỹ bảo trì, quận cũng rất khó trong giải quyết.
Nhất trí với quy định về thời hạn sử dụng của nhà chung cư, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự Luật cần có những quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn, thời hạn sử dụng với từng loại nhà chung cư. Riêng với chung cư tái định cư, Dự Luật nên quy định người được thụ hưởng tham gia vào quá trình kiểm soát chất lượng xây dựng công trình. Bởi thực tiễn cho thấy chất lượng nhà chung cư kém chủ yếu do thất thoát trong quá trình xây dựng.
Vấn đề sở hữu diện tích chung, riêng trong nhà chung cư, Dự Luật quy định cũng chưa rõ ràng. Theo đại diện Hội Luật gia TP, nên có quy định rõ về diện tích sở hữu chung, riêng đủ để làm cơ sở pháp lý khi giải quyết các tranh chấp trong thực tế.
Cùng ngày, Đoàn ĐB Quốc hội TP đã lấy ý kiến góp ý vào Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.