Được triển khai thí điểm nhà giá thấp nhằm phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) và định hướng di dời các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ra khỏi nội thành TPHCM là 2 trong các nội dung mà UBND TPHCM vừa...
Được triển khai thí điểm nhà giá thấp nhằm phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) và định hướng di dời các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ra khỏi nội thành TPHCM là 2 trong các nội dung mà UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã cơ bản đồng ý các kiến nghị của UBND TP về nâng tầng các dự án NƠXH...
Sẽ giữ lại một số trường truyền thống
Theo định hướng dành quỹ đất xây dựng mới các khu ĐH-CĐ, TPHCM đã có gần 2.000 ha, trong đó quỹ đất đã có chủ trương bố trí hơn 652 ha và hơn 1.270 ha còn lại đang trống. Quỹ đất này tập trung chủ yếu tại 3 hướng chính: phía Đông Bắc TP (huyện Hóc Môn và Củ Chi), tập trung chủ yếu trong Khu đô thị Tây Bắc TP với hơn 660 ha; phía Nam TP (quận 7 và 2 huyện Bình Chánh, Nhà Bè) với tổng quỹ đất gần 850 ha; phía Đông Bắc TP (quận 9 và Thủ Đức), tập trung chủ yếu tại khu ĐH Quốc gia TPHCM với gần 115 ha.
UBND TP đã cử Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài tham gia thành viên Tổ công tác liên ngành về quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐH-CĐ tại vùng thủ đô Hà Nội và vùng TPHCM. Hiện Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn được Bộ Xây dựng giao nghiên cứu định hướng quy hoạch địa điểm xây dựng hệ thống các trường ĐH-CĐ tại vùng TPHCM đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, đã hoàn tất việc thiết kế, hiện đang lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan.
Theo UBND TP, TP sẽ giữ lại một số trường ĐH truyền thống trong nội thành, số còn lại sẽ di dời ra các khu vực quy hoạch nhằm giảm tải cho nội thành. Kinh phí thu được từ các mặt bằng trong nội thành, các trường sẽ hoàn toàn được sử dụng để di dời và xây dựng trường. Theo đó, TP sẽ chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội sớm hoàn thành đề án quy hoạch mạng lưới dạy nghề tại TP, trong đó xác định rõ tiêu chí bố trí các trường CĐ nghề, trung cấp nghề và dự báo nhu cầu phát triển làm cơ sở để Bộ Xây dựng định hướng cho quy hoạch địa điểm các trường này trên cơ sở quỹ đất đã được định hướng trong quy hoạch chung của TP.
Riêng đối với Khu giáo dục - đào tạo ĐH 160 ha tại phường Long Phước quận 9, UBND TP kiến nghị được phát triển thêm mô hình khu ĐH tập trung gồm 4 trường ĐH: Luật, Kinh tế và 2 trường ĐH khác có cùng tính chất kinh tế - xã hội để thuận lợi cho công tác quy hoạch và đầu tư các công trình công cộng phục vụ cho toàn khu ĐH này.
Kiến nghị thí điểm 6 dự án nhà giá thấp
Báo cáo với Thủ tướng kế hoạch xây dựng NƠXH và nhà ở giá thấp giai đoạn 2009 - 2010, UBND TP cho biết tổng số lao động làm việc trong khu vực quản lý nhà nước, lực lượng vũ trang là 130.000 người, trong đó có khoảng 30.000 người gặp khó khăn về nhà ở và có nhu cầu ở nhà mới. Để có nguồn nhà cung ứng cho các đối tượng có thu nhập thấp, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng cho phép từ nay đến 2010 thực hiện thí điểm 6 dự án nhà ở giá thấp và có một số cơ chế, chính sách, từ đó rút ra kinh nghiệm để triển khai rộng rãi trên địa bàn TP.
Nhà ở giá thấp là loại căn hộ chung cư, có diện tích vừa và nhỏ phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp (có diện tích nhỏ hơn 70m2/căn hộ) do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư thông qua hình thức xã hội hóa. 6 dự án này được thực hiện ở quận 12, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè có quy mô gần 19.000 căn hộ và tổng mức đầu tư gần 11 tỷ đồng.
Để thực hiện mô hình trên, UBND TP cũng đã định hướng một số quy định để quản lý nhà ở giá thấp. Cụ thể là người mua nhà phải làm đơn, có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi làm việc và UBND cấp phường nơi cư trú về đối tượng và điều kiện nhà ở hiện có. Người mua nhà được cấp giấy hồng, nhưng trên giấy hồng có ghi rõ chủ sở hữu không được giao dịch, bán lại cho người khác trong thời gian 10 năm kể từ ngày được cấp giấy.
Người gặp khó khăn về nhà ở chỉ được hỗ trợ 1 lần về nhà ở thông qua phương thức được thuê, thuê mua NƠXH hoặc mua nhà ở giá thấp. Nghiêm cấm các trường hợp người được mua nhà ở giá thấp chuyển nhượng hợp đồng cho người khác. Nếu bị phát hiện sẽ hủy hợp đồng mua bán, thu hồi toàn bộ các khoản tiền chênh lệch khi thực hiện chuyển nhượng. Còn đối với các chủ đầu tư tham gia chương trình này, nếu bán nhà ở giá thấp không đúng quy định sẽ bị thu hồi văn bản cho phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư, để giao cho chủ đầu tư khác tiếp tục thực hiện dự án và buộc chủ đầu tư dự án đó phải hoàn trả các khoản chi phí đã được ưu đãi...
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ - ngành Trung ương tại TPHCM, UBND TP cho rằng việc quy định tầng cao của NƠXH không được quá 6 tầng là không hợp lý và rất khó thực hiện trong điều kiện giá trị đất cao như TPHCM hiện nay. Do vậy, TP đã kiến nghị Thủ tướng được tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất quy định trong quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành.
Thủ tướng cũng đã đồng ý với kiến nghị của UBND TP và cho rằng tại sao lại tự mình làm khó mình. Nhu cầu nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp đang rất bức xúc nên cần phải thực hiện ngay. Tùy vào quy hoạch của từng khu vực mà nâng tầng cao để tránh lãng phí. “Miễn là tầng cao của dự án không ảnh hưởng đến quy hoạch của TP” - Thủ tướng lưu ý. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã đồng ý cho TPHCM áp dụng hình thức chỉ định thầu để triển khai nhanh các dự án NƠXH nhưng phải được quản lý chặt chẽ.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng