Nâng cầu đường sắt Bình Lợi để khơi thông giao thông thủy

Cập nhật 02/11/2014 08:02

Cầu đường sắt Bình Lợi có lý trình tại Km1719 + 086 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh được xây dựng từ những năm 1900 nên đã xuống cấp dù được bảo dưỡng thường xuyên.

Cầu đường sắt Bình Lợi có lý trình tại Km1719 + 086 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh được xây dựng từ những năm 1900 nên đã xuống cấp dù được bảo dưỡng thường xuyên.

Cầu Bình Lợi cũ

Trước đây, cầu Bình Lợi là cầu chung đường sắt và ô tô, nhưng hiện nay, chỉ xe mô tô và người đi bộ được phép qua cầu. Tuy nhiên, do cầu hẹp, lượng phương tiện và người tham gia giao thông quá đông nên thường xuyên bị ùn tắc.

Do khổ thông thuyền thấp, cầu Bình Lợi ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao thông thủy và mất ATGT. Nhiều vụ đâm va tàu thủy đã xảy ra tại khu vực này, do vậy rất cần  nâng cấp hoặc xây mới cầu Bình Lợi. Tại cuộc họp hồi tháng 7 năm nay giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, gần như toàn bộ ý kiến đều thống nhất quan điểm xây cầu Bình Lợi mới bên cạnh cầu cũ và không di dời ga Bình Triệu. Phương án này đảm bảo đầy đủ các yêu cầu đặt ra cả trước mắt và lâu dài.

Ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN cho biết, thiết kế đã cơ bản xong phần trên bờ. TP Hồ Chí Minh đã có văn bản thống nhất về vị trí, kiến trúc cũng như xây cầu. Về phương án tài chính, Bình Dương sẽ cho mượn khoảng 300 tỷ đồng để xây dựng, sau đó sẽ thu phí để chi trả trong hai năm.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, việc đầu tư dự án cầu đường sắt Bình Lợi là bước đột phá trong xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy. Bởi, khi nâng tĩnh không thông thuyền của cầu đường sắt mới so với cầu cũ hiện nay sẽ tạo điều kiện khai thác hiệu quả, nâng cao năng lực vận tải thủy của tuyến đường thủy Đông Nam bộ.

Tại cuộc họp mới đây, Bộ GTVT giao Cục Đường thủy nội địa VN hoàn chỉnh gấp phương án thu phí đường thủy nội địa, dự thảo Thông tư về quản lý thu, nộp phí. Cục Đường thủy nội địa VN và Tổng Công ty Đường sắt VN thường xuyên làm việc với các địa phương, các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý. Nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế thí điểm. Dự kiến, cầu đường sắt Bình Lợi sẽ được hoàn thành vào năm 2016.

DiaOcOnline.vn - Theo Giao Thông Vận Tải