Nâng cấp đường Hồ Chí Minh giai đoạn III

Cập nhật 23/08/2010 16:40

Dù chưa chính thức thông xe toàn tuyến, nhưng cơ chế gọi vốn để nâng cấp đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn III (sau năm 2010) đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) khẩn trương nghiên cứu.

Dù chưa chính thức thông xe toàn tuyến, nhưng cơ chế gọi vốn để nâng cấp đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn III (sau năm 2010) đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) khẩn trương nghiên cứu.


Một góc đường Hồ Chí Minh. Ảnh Internet

Cơ hội từ một dự án lớn


Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh, do Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lập, vừa được Bộ GTVT thông qua vào trung tuần tháng 8/2010 có 3 nhiệm vụ chính, gồm: cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007; kết nối các dự án đã và đang triển khai; lựa chọn phương án, quy mô, phương thức đầu tư cho đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn III (sau năm 2010).

“Mặc dù còn chờ Thủ tướng Chính phủ thông qua, nhưng vào thời điểm này, đã có thể hình dung về đường Hồ Chí Minh sau khi được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh”, ông Sơn cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, trong giai đoạn I (2000 – 2007), đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe, bao gồm cả kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Hiện tại, mặc dù không đạt mục tiêu tiến độ đề ra ban đầu, nhưng giai đoạn II của Dự án (khởi công năm 2007) có mục tiêu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) cũng sẽ được các đơn vị thi công kết thúc chậm nhất là cuối năm 2011.

Được biết, đường Hồ Chí Minh sau khi được đầu tư hoàn chỉnh sẽ bắt đầu tại cổng khu lưu niệm Pác Bó (km54+250 của đường tỉnh 203) thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), điểm cuối tại mốc GPS001 – Khu du lịch Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Toàn bộ chiều dài tuyến đường là 3.010 km, trong đó có 502 km nhánh Tây, được chia thành 25 phân đoạn (tương đương với 26 dự án thành phần).

Theo đề xuất của TEDI, ngoài 502 km đường nhánh Tây đã được đầu tư trong giai đoạn I vẫn giữ nguyên quy mô đầu tư là đường cấp 4 miền núi, trong giai đoạn III, sẽ có 4 phân đoạn được đầu tư mở rộng để đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi; 3 phân đoạn được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng; 3 phân đoạn được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp 2 đồng bằng và 14 phân đoạn được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cao tốc quy mô 4 – 6 làn xe.

Trong đó, giai đoạn 2010 – 2015, đường Hồ Chí Minh có 3 đoạn đường cao tốc được xây dựng, gồm: Mỹ An - Lộ Tẻ (dài 76 km, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư 18.500 tỷ đồng), Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (dài 53,4 km, tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng), Cam Lộ - Túy Loan (dài 182 km, tổng vốn đầu tư khoảng 31.085 tỷ đồng).

Giai đoạn 2015 – 2020, xây dựng các đoạn cao tốc: Kon Tum - Gia Lai – Đắc Lắc –Đắc Nông (dài 392 km, tổng vốn đầu tư khoảng 66.788 tỷ đồng), Bình Ca - Sơn Tây – Chợ Bến (dài 143 km, tổng vốn đầu 18.023 tỷ đồng).

Giai đoạn 2020 - 2025, xây dựng các đoạn cao tốc: Chơn Thành – Đức Hòa – Mỹ An (dài 160,4 km, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư 24.618 tỷ đồng), Chơn Thành – Ngã tư Bình Phước (dài 63 km, tổng vốn đầu tư khoảng 9.700 tỷ đồng), Cây Chanh – Chơn Thành (dài 102 km, tổng vốn đầu tư khoảng 14.750 tỷ đồng).

Giai đoạn sau năm 2025, xây dựng các đoạn cao tốc: Chợ Bến - Khe Cò (dài 322 km, tổng vốn đầu tư khoảng 38.712 tỷ đồng), Khe Cò – Cam Lộ (dài 282 km, tổng vốn đầu tư 27.828 tỷ đồng), xây dựng hoàn chỉnh các đoạn còn lại theo quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh được phê duyệt, với tổng vốn đầu tư khoảng 30.919 tỷ đồng.

Ước tính, tổng vốn đầu tư để xây dựng hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn III sẽ lên tới 286.923 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, 54 tuyến đường ngang kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 1 và các cảng biển lớn, có tổng chiều dài 2.608 km, sẽ được đầu tư nâng cấp để đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 và cấp 2 đồng bằng, với tổng kinh phí lên tới 54.585 tỷ đồng, tương đương 2.873 triệu USD.

Do tổng vốn đầu tư của Dự án rất lớn, việc xây dựng cơ cấu, phương án huy động vốn có tính khả thi cho giai đoạn III đang là thách thức lớn đối với cơ quan lập Dự án. Theo đó, ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay dự kiến chiếm tối đa 20 – 30% để phục vụ cho công tác chuẩn bị dự án và giải phóng mặt bằng, Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn III sẽ phải huy động từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo các hình thức như xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao (BT), xây dựng – chuyển giao – khai thác (BTO), hợp tác công – tư (PPP)…

“Mặc dù đơn vị tư vấn đã phân kỳ tương đối cụ thể cho quá trình đầu tư giai đoạn III đường Hồ Chí Minh, nhưng Quy hoạch chi tiết này chỉ có thể trở thành hiện thực khi việc xây dựng các trung tâm kinh tế, dân cư dọc tuyến đường theo Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh được triển khai đúng tiến độ. Đây là những yếu tố để dự báo về tăng trưởng lưu lượng phương tiện trên tuyến – cơ sở để các nhà đầu tư cân nhắc”, ông Sơn cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư