Ngày 3/7/2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/2007/NQ - CP về : Một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư bị hư hỏng, xuống cấp...
Ngày 3/7/2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/2007/NQ - CP về “Một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư bị hư hỏng, xuống cấp”.
Thông tin này như một “làn gió mới” khơi dậy niềm hy vọng cho 1.380 hộ dân đang sống trong 18 chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng ở phường Quang Trung, Thành phố Vinh (Nghệ An).
Thực trạng từ những chung cư già cỗi
Theo số liệu từ Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh, 18 chung cư cũ, xuống cấp nói trên đều tập trung ở địa bàn phường Quang Trung, được các chuyên gia Đức tư vấn, thiết kế từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Kiến trúc nhà được xây dựng theo kiểu kiên cố, bề dày của các bức tường chịu lực là 50 cm. Tính đến thời điểm này, chung cư có “tuổi cao nhất” là C8, được khởi công xây dựng vào tháng 10/1974 với 70 căn hộ. Chung cư được hoàn thành cuối cùng cũng có “tuổi thọ” lên tới 25 năm. Theo thiết kế thời đó, căn hộ có diện tích lớn nhất cũng chỉ gần 50 m2, phổ biến vẫn là 22,5 đến 30 m2.
Chủ nhân của các căn hộ đều là cán bộ, công nhân viên chức, được phân nhà thời “bao cấp”, nay đã về nghỉ hưu, thu nhập chủ yếu bằng lương.
Nhìn từ bề ngoài, hầu hết các chung cư đã già cỗi, lan can, cầu thang nhiều chỗ đã mục nát, để lộ những lõi thép han rỉ. Nhiều căn hộ, trần nhà, trần hành lang đã rơi rụng từng mảng bê tông.
Cụ Hà Văn Huyên, 77 tuổi, trú tại căn hộ 122 (Nhà C7) cho biết, gia đình được nhận căn hộ 22,5 m2 này từ năm 1980. Nhiều năm trở lại đây, mặc dù đã cao tuổi nhưng cụ Huyên vẫn phải dành dụm một phần lương hưu ít ỏi của mình để tu sửa lại trần nhà, công trình phụ. Cụ Nguyễn Thị Bảy, 63 tuổi, trú tại căn hộ 241 (nhà C7) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Đi dọc các hành lang chung cư, chúng tôi gặp toàn người già. Hầu hết các “cụ” đun nấu bằng bếp than tổ ong, khói bay mù mịt.
Nan giải bài toán cải tạo, nâng cấp
Ông Bùi Đức Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh thuộc như lòng bàn tay về thực trạng của từng dãy chung cư. Không cần đến sổ sách, ông Lộc kể rành mạch về hoàn cảnh không ít gia đình sống trong các chung cư, mà số phận nào cũng đặc biệt khó khăn.
Có những cụ già, cả 2 vợ chồng chỉ dám thắp một bóng điện, vẫn còn sử dụng ti vi đen trắng, xem hết chương trình thời sự là 2 cụ... đi nghỉ(!). Mỗi tháng, bình quân một căn hộ chỉ phải nộp 25.000 đồng tiền thuê nhà, song nhiều gia đình vẫn khất lần vì nếu trả tiền nhà thì không có tiền điện thắp sáng. Nhiều lúc anh em đi thu tiền điện, tiền nhà, nhìn thấy mâm cơm các cụ đạm bạc quá, chỉ có rau luộc chấm nước mắm, đành ngậm ngùi quay về, ông Lộc tâm sự.
Theo sổ sách, mỗi năm, Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh chỉ thu được 220 triệu đồng từ tiền thuê nhà của các hộ dân và cũng chỉ được phép chi ra từ 40 đến 50 triệu đồng cho việc sửa chữa nhỏ đối với các sự cố rạn nứt lan can hành lang, rò rỉ nước thải ở các công trình phụ, vá víu các mảng trần bị rơi rụng.
Bà Nguyễn Thị Tư, 58 tuổi, trú tại căn hộ 232 (nhà C8) băn khoăn: “Vừa rồi, cán bộ của Công ty có phát cho mỗi hộ 1 bản khai “thăm dò điều tra xã hội học”. Chúng tôi xem các nội dung thấy vẫn còn mơ hồ lắm. Hầu hết các hộ đều có chung thắc mắc: nếu xây mới thì chúng tôi sẽ chuyển đi đâu? Ở nhà mới, phải nộp thêm bao nhiêu tiền? Nếu hộ khó khăn, không có tiền nộp thì có được nhận nhà mới không?”
Nhiều năm nay, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp các chung cư này nhưng khó khăn vẫn là cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, theo ông Lộc, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 34/2007/NQ-CP, “lối thoát” cho số phận 18 chung cư ở Quang Trung đã tương đối rõ ràng. Mặc dù vậy, theo ông Lộc, cái khó nhất của Nghệ An là việc tìm kiếm các nhà đầu tư.
Theo phân tích của ông Lộc, vài năm trước đây, khi thị trường bất động sản sôi động, một số nhà đầu tư lớn như Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội cũng đã tìm đến Thành phố Vinh xin dự án xây dựng chung cư để bán.
Sau khi được cấp đất, qua thăm dò, nhìn thấy sự thua lỗ sẽ khó tránh khỏi, nên các nhà đầu tư đã phải tìm cách hoãn binh, găm dự án để chờ đợi cơ hội. Công ty cổ phần Xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới Sài Gòn - TECCO là nhà đầu tư duy nhất dám mạnh dạn bỏ ra nhiều tỷ đồng để đầu tư hai “toà tháp” 18 tầng với mục đích kinh doanh.
Nhưng, cho đến nay, cả 2 toà nhà cao tầng này cũng chỉ mới bán được 50% căn hộ vì giá quá cao so mới thu nhập của người dân Thành phố Vinh (bình quân hơn 6 triệu đồng/m2).
Ông Lộc cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 34/2007/NQ - CP, UBND tỉnh Nghệ An đã gấp rút chỉ đạo các ngành khảo sát, đánh giá lại hiện trạng 18 chung cư nói trên. Theo đó, từ nay đến cuối năm, giải pháp cải tạo, nâng cấp hay phá bỏ để xây mới các chung cư nói trên mới được giải đáp.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, để thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết 34/2007/NQ - CP đề cập, việc thực hiện phải tiến hành theo lộ trình cuốn chiếu. Tuy nhiên, để triển khai được mục tiêu này ở Nghệ An, việc Nhà nước phải hỗ trợ một phần ngân sách trong đầu tư xây dựng lại các khu chung cư nói trên là khó tránh khỏi.
Theo Đầu Tư