Muôn kiểu lãng phí tiền công: Trụ sở vừa xây đã sửa

Cập nhật 17/10/2013 13:15

Trong khi thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, có nhiều câu chuyện đầu tư công gây lãng phí đang diễn ra lộ liễu. Lãng phí trong xây dựng cơ bản, lãng phí vì tầm nhìn hạn hẹp...

Trong khi thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, có nhiều câu chuyện đầu tư công gây lãng phí đang diễn ra lộ liễu. Lãng phí trong xây dựng cơ bản, lãng phí vì tầm nhìn hạn hẹp...

Trụ sở vừa xây đã sửa

Trụ sở quận xây gần 90 tỷ đồng mới sử dụng được 3 năm đã sụt lún phải chi thêm hơn 7 tỷ đồng để sửa chữa; quy hoạch thiếu tầm nhìn nên vừa xây cái mới là đập bỏ cái cũ…


Trụ sở UBND quận Hoàng Mai sau 3 năm đưa vào sử dụng đã phải chi hơn 7 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục. Ảnh: Như Ý

Tới nay Hoàng Mai là quận duy nhất của Hà Nội xây dựng được Trung tâm hành chính tập trung, với diện tích hơn 10ha (phường Thịnh Liệt và Hoàng Liệt). Với các trụ sở riêng biệt cho Quận ủy, HĐND, UBND quận, phòng Thuế, Tòa án, Thi hành án, Bảo hiểm xã hội, Y tế… Chỉ riêng lô đất xây dựng công trình trụ sở HĐND - UBND quận Hoàng Mai đã rộng hơn 17.500m2, với khối nhà ngang dọc cao 6 tầng, tổng vốn đầu tư gần 90 tỷ đồng.

Công trình đưa vào sử dụng tháng 12/2009, nhưng không lâu sau đó, sân nền, lối lên tòa nhà, bồn hoa bị sụt lún nghiêm trọng; trần mái hành lang, nhà vệ sinh thấm dột, bong tróc; khe giãn nhiệt giữa các khối nhà cũng nứt toác rộng 2-3cm…

Tới trụ sở UBND quận Hoàng Mai những ngày này chẳng khác nào một công trường xây dựng sôi động. Một phần hành lang, sân, vườn hoa, lối lên xuống… bị xới tung. Lý giải việc trụ sở vừa xây xong đã phải chi tiền sửa, bà Đào Thị Thu Hằng-Phó Chánh văn phòng UBND quận Hoàng Mai cho hay, trong quá trình khảo sát xây dựng chưa tính hết sự sụt lún. Quận đã thuê đơn vị kiểm định, xác định nguyên nhân do xây dựng trên nền đất yếu, trước đây là ao hồ. “Tổng kinh phí sửa chữa, chỉnh trang là hơn 7,2 tỷ đồng, từ ngân sách quận, dự kiến xong trước 30/11”, bà Hằng nói.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, riêng công trình này đã “ngốn” ngân sách quận hơn 97 tỷ đồng. Cách khu trụ sở UBND quận Hoàng Mai chỉ vài trăm mét là khu đất xây dựng trụ sở Tòa án Nhân dân quận Hoàng Mai. Nhưng từ vài năm nay sau khi đổ móng công trình đã dừng thi công, khu đất cả ngàn mét vuông cỏ mọc um tùm, xen lẫn với những cọc sắt hoen gỉ. Đại diện quận Hoàng Mai cho biết chỉ giao đất, còn xây dựng thế nào là do phía tòa án.

Còn UBND quận Hai Bà Trưng (30 Lê Đại Hành-Hà Nội) vừa muốn xây mới, lại muốn sửa trụ sở cũ. Ông Hoàng Trọng-Chánh văn phòng quận cho hay, trụ sở này xây dựng từ năm 1996, nay xuống cấp nên phải cải tạo lại.

Khi PV Tiền Phong tới làm việc, trụ sở cũ cao 5 tầng đang sửa chữa, nâng cấp. Trong khi khu đất rộng hơn 1.000m2 cạnh trụ sở Bộ GD&ĐT (đường Đại Cồ Việt-Hà Nội) dùng để xây trụ sở mới đã giải phóng mặt bằng xong; dựng khu nhà điều hành công trường, máy móc đã được tập kết. Khi hỏi về dự kiến kinh phí đầu tư trụ sở mới, ông Trọng cho biết đang đợi phê duyệt, chưa nắm cụ thể, tuy nhiên tiết lộ “riêng giải phóng mặt bằng đã mấy chục tỷ đồng”.

Xây xong bỏ hoang

Không chỉ lãng phí trong xây dựng cơ bản, đầu tư công, ngay trong tầm nhìn quy hoạch. Như dự án Trung tâm thương mại - chợ Ngã Tư Sở (Cty CP Đầu tư và Tư vấn Tài chính Dầu khí Việt Nam làm chủ dự án), sau nhiều năm chậm tiến độ, tháng 8 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu dừng.

Ngoài lý do chậm tiến độ, còn do dự án gần Trung tâm thương mại Royal City, Mipec Tower, Parkson… nên khó đạt hiệu quả kinh doanh. Chỉ tiếc rằng điều đó được nhận ra hơi muộn (trong khi đã chi 10 tỷ đồng xây dựng chợ tạm dọc sông Tô Lịch). Tiếc thay, xây xong không có tiểu thương vào kinh doanh, đành bỏ hoang gần 3 năm nay. Thậm chí, một phần khu chợ tạm này còn bị chồng lấn lên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, nên bị phá đi để làm đường sắt.

Đáng lý, những lãng phí kiểu này có thể ngăn chặn được từ năm 2009 (thời điểm phê duyệt dự án)-cũng là lúc những dự án thương mại đồ sộ được quy hoạch và  xây dựng.

Trong khi Hà Nội đang thiếu đất làm công viên, khu đất quy hoạch công viên hồ điều hòa Nhân Chính (quận Thanh Xuân) lại bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, với tổng diện tích hơn 13ha, gồm các khu vui chơi giải trí, cây xanh, hồ điều hòa... Từ đó tới nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, một phần đất của công viên được cải tạo thành sân bóng cỏ nhân tạo để cho thuê. Ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, sau khi thu hồi dự án, thành phố tạm thời giao cho quận quản lý. “Cũng chưa biết khi nào dự án triển khai tiếp”, ông Thái nói.

Khi xây dựng cầu vượt nhẹ qua nút giao thông Daewoo và Đại Cồ Việt - Phố Huế (Hà Nội), Sở GTVT Hà Nội đã phải tháo dỡ 2 cầu vượt sang đường cho người đi bộ trị giá gần 20 tỷ đồng vì vướng dự án.

Trước đó, cơ quan này cũng xin 10 tỷ đồng để gia cố cầu vượt nhẹ tại nút giao Láng Hạ - Thái Hà (tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ đồng) cho xe buýt nhanh (BRT) chạy qua. Đáng nói, cầu vượt nhẹ tại nút giao này mới có kế hoạch từ năm 2011, xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2012, trong khi quy hoạch tuyến buýt nhanh đã được Sở GTVT Hà Nội đưa ra từ năm 2004.

Sau đó ít lâu, cũng trong dự án tuyến buýt nhanh này, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục chi 12 tỷ đồng để bóc lớp thảm nhựa mặt đường Lê Văn Lương, thay mới bằng lớp bê tông dành riêng cho xe buýt, dù lớp nhựa cũ còn tốt.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong