'Muốn "cứu" BĐS trước hết phải "cứu" niềm tin của người tiêu dùng'

Cập nhật 14/03/2013 08:16

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng bên cạnh những vấn đề đang gặp phải như giá cao, hàng tồn kho, tỷ lệ nợ xấu... BĐS trong nước cần chữa “căn bệnh nan y” chính là niềm tin của khách hàng.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng bên cạnh những vấn đề đang gặp phải như giá cao, hàng tồn kho, tỷ lệ nợ xấu... BĐS trong nước cần chữa “căn bệnh nan y” chính là niềm tin của khách hàng.

Thị trường BĐS gặp khó vì niềm tin của khách hàng không còn

Mới đây, ông Sam Cucurullo, chuyên gia Quản lý bất động sản khu vực châu Á Thái Bình Dương cho rằng nguyên nhân thị trường BĐS Việt Nam “đóng băng” thời gian qua là do nguồn cung quá lớn, vượt sức hấp thụ của thị trường.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội, giá bất động sản ở các thành phố lớn của Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới trong khi thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Giá nhà đất tăng lên 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân của người lao động. Giá nhà ở lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển. Trong khi đó, so với thu nhập, giá bất động sản trung bình ở các nước châu Âu chỉ bằng 7 lần, Thái Lan 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần.

Qua đó cho thấy, nền kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm sút khiến khả năng chi trả các khoản về BĐS của người dân vì thế cũng giảm. Trong khi giá cả bất động sản bị đẩy cao là do bất hợp lý về cung cầu cũng là nguyên nhân khiến thị trường BĐS gặp khó khăn.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng

Tuy nhiên lý giải nguyên nhân khiến thị trường BĐS gặp khó khăn lúc này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng cho rằng: “Yếu tố giá chỉ là một phần khiến BĐS tồn kho, quan trọng hơn là niềm tin của người tiêu dùng vào BĐS đã không còn, thể hiện qua sự dè dặt, thận trọng”.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, trên thế giới có một quy ước hạch toán được chuyên gia kinh tế, giới BĐS thừa nhận như sau: Nếu tổng thu nhập một gia đình là 100% thì chi phí cho BĐS, đầu tư, chi tiêu chỉ chiếm khoảng 30%. Nói như vậy để thấy ở Việt Nam giá BĐS không hoàn toàn phải là nguyên nhân chính dấn đến thị trường BĐS “đóng băng”.

“Với những gia đình có thu nhập cao thì 30% tổng thu nhập của họ sẽ rất lớn và nhu cầu của họ sẽ là phân khúc BĐS giá cao, và ngược lại với người dân thu nhập trung bình và thấp thì 30% tổng thu nhập của họ sẽ thấp và tìm đến phân khúc BĐS thấp hơn” – TS Phạm Sỹ Liêm phân tích.

Ở Việt Nam, giá nhà bao nhiêu là phù hợp?

Nhận định về giá BĐS trong nước hiện nay, TS Phạm Sỹ Liêm cho biết, thời gian qua giá BĐS đã có phần giảm xuống nhiều lần so với trước đây. Tuy mức giảm chưa đồng bộ nhưng hầu hết các dự án giá đã có phần thấp hơn so với mức bình quân của thế giới. Trên thế giới giá trung bình của BĐS là khoảng 1.000 USD/ m2, so với tỷ giá trong nước sẽ tương đương với khoảng 20 triệu đồng/m2.

“Nếu so với mức giá này thì nhiều dự án BĐS trong nước còn thấp hơn nhiều, thậm chí có những dự án giá chỉ còn 12-13 triệu/m2 tương đương với 600 – 700 USD/m2. Với mức giá như vậy, người dân có thể tiếp cận mua được nhưng do tâm lý dè dặt, e ngại mất niềm tin vào chủ đầu tư việc người tiêu dùng quay lưng càng khiến BĐS gặp khó khăn” – TS Phạm Sỹ Liêm cho biết.

Cũng nhận định về giá thị trường BĐS, ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Công ty TNHH BĐS và Dịch vụ địa chính Hà Nội (Hanoiland) cho rằng: “Phân khúc chung cư mi ni vẫn sẽ sôi động và thúc đẩy thị trường BĐS năm 2013”. Theo đó, để giải cứu BĐS trước hết nhà đầu tư cần phân tích nhu cầu nhà ở thực tế hiện nay là đối tượng nào.

“Đó không phải là những cán bộ hưu trí, cũng không phải những người có thu nhập khá hay đi làm từ 10 năm trở lên mà nhu cầu bức thiết nhà ở lúc này là đối tượng thanh niên, sinh viên mới ra trường, những người mới đi làm từ 5 đến 10 năm họ tích cóp được số tiền nhỏ muốn mua nhà để ở thay vì đi thuê. Với số tiền nhỏ tích cóp được thì rõ ràng họ chỉ có thể tiếp cận được với căn hộ mini diện tích nhỏ” – ông Tùng phân tích.

Nói về mức giá sẽ được người tiêu dùng lựa chọn trên thị trường BĐS năm 2013, theo ông Nguyễn Đình Tùng mức giá được lựa chọn sẽ ở ngưỡng từ 600 đến 800 triệu đồng cho căn hộ khoảng dưới 60m2. Với cách tính đó giá BĐS sẽ nằm ở mức 13 triệu/m2, có nghĩa là chung cư mi ni sẽ là phân khúc được người tiêu dùng lựa chọn.

Ở giá trị sử dụng, công năng theo Kiến trúc sư Nguyễn Quang Toàn, Công ty tư vấn Xây dựng CIC, trung bình với một gia đình trẻ có 4 người (vợ chồng và 2 con) ở thì diện tích sử dụng hợp lý cho là khoảng 60m2 (tương đương 12m2/người). “Tất nhiên có thể thấp hơn tuy nhiên để đảm bảo yếu tố sức khỏe, sinh hoạt giao thông… thì căn hộ 60m2 là bán được và phù hợp cho gia đình trẻ 4 thành viên, còn với gia đình nhiều thế hệ như ông bà con cháu thì diễn tích sử thường là từ 100 đến 120m2” – KTS Nguyễn Quang Toàn cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo Giáo dục Việt Nam