Tại TP.HCM, mỗi năm chính quyền rót hàng trăm tỉ đồng vào các công trình chống sạt lở nhưng kết quả chưa đáng kể, cả trăm hécta đất vẫn cứ trôi sông. Tại Tiền Giang, hàng ngàn người dân...
Nhiều nơi ven sông tại TP.HCM, nước đã “ôm” trọn nhà dân. Ảnh: Vũ Nguyên. |
Tại TP.HCM, mỗi năm chính quyền rót hàng trăm tỉ đồng vào các công trình chống sạt lở nhưng kết quả chưa đáng kể, cả trăm hécta đất vẫn cứ trôi sông. Tại Tiền Giang, hàng ngàn người dân sống ven kinh Chợ Gạo phải “vừa chống vừa chạy” khi sạt lở đang tăng tốc.
TP.HCM: đánh liều mạng sống
Ngày 6.10, trở lại vị trí sạt lở hồi tháng 6.2008 làm sụp hai căn biệt thự tại khu vực rạch Ông Dầu, đoạn sông Sài Gòn (thuộc Hiệp Bình Phước, Thủ Đức), toàn bộ khu đất đã bị nước nuốt gần hết. Dấu tích còn lại để nhận ra khu đất rộng 500m2 này là hai con sư tử đá giữ cổng và một hòn non bộ. Tại đường Tầm Vu (P.26, Q. Bình Thạnh), nơi từng sạt lở lớn vào năm 2007 và năm 2008, người dân vẫn ung dung buôn bán, sinh hoạt, không hề ngán tấm biển báo nguy hiểm sát bên và những căn nhà sụt lún, chỉ còn một nửa chênh vênh trên mặt nước. Một người dân cho biết, họ đã được bố trí căn hộ chung cư ở quận Gò Vấp nhưng lên đó không thể buôn bán nên liều mình làm ăn ở đây!
Đi dọc hai bờ sông Mương Chuối, sông Đồng Điền, sông Rạch Tôm, sông Phước Kiển, sông Phú Xuân, sông Kinh Lộ, rạch Giồng và sông Phước Long… (huyện Nhà Bè ) chúng tôi còn thấy rất nhiều khu vực sạt lở đã sát mép nhà dân. Theo người dân, trước kia nhà cửa xây dựng cách mép sông cả 50m nhưng nay nước đã vào tận nền nhà. “Có đêm nằm ngủ nghe tiếng nước đánh vào bờ, rồi từng khối đất rơi ầm xuống sông. Có hôm sau một đêm ngủ dậy hàng chục cây dừa, cây xoài trong vườn bỗng dưng mất tích”, bà Chín, một người dân sống cạnh bờ sông Kinh Lộ cho biết. Những Kinh Lộ, sông Mương Chuối… trước đây đều có hàng cây bảo vệ bờ sông nhưng nay đã bị nước cuốn phăng, chiều dài bờ bị sạt nhiều nơi kéo dài từ 100 – 1.000m, vết sạt mới chồng lên vết sạt cũ.
Theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, năm 2009 trên địa bàn thành phố có 62 điểm với tổng chiều dài 53.000m đất ven sông có nguy cơ sạt lở, con số này tăng gần gấp đôi so với năm 2008. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố cũng cho biết, đầu mùa mưa 2009, chỉ trong vòng một tháng đã có ít nhất sáu vụ sạt lở bờ sông, cuốn trôi gần 10.000m2 đất, nhấn chìm hàng chục căn nhà.
Công trình ít, thi công chậm Hiện sở Giao thông vận tải TP.HCM được giao 18 công trình kè chống sạt lở với tổng chiều dài khoảng 11.988m, tập trung tại những khu vực có dân cư đông. UBND TP.HCM cũng chấp thuận chủ trương đầu tư 128 công trình phòng chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn cho 12 quận – huyện, thực hiện trong hai năm 2009 – 2010 với tổng vốn đầu tư 263 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì số lượng công trình này là quá ít, thi công lại rất chậm. Hiện mới chỉ có công trình chống sạt lở kênh Thanh Đa có chiều dài 478m với tổng vốn đầu tư gần 41 tỉ đồng đã được hoàn thành, những công trình còn lại thì đang ì ạch. |
Tiền Giang: kinh chợ Gạo “răng cưa”
Sáng 5.10.2009, bà Nguyễn Thị Đẹp (ấp Tân Bình 1, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) hớt hải chạy nhờ hàng xóm phụ khiêng đồ đạc vào phía trong con lộ nhựa. Căn nhà của bà Đẹp nằm sát bờ kinh Chợ Gạo, ba phía đều bị sạt lở nặng, dưới nền nhà là những hàm ếch sâu hoắm. “Hồi khuya nước lớn, tàu chạy nhiều, nghe sóng đánh ngay dưới chân, cả nhà không ai dám ngủ. Sáng ra, nước mới giựt ròng là từng tảng đất đổ ùm ùm xuống lòng kinh”, bà Đẹp vừa chạy vừa nói.
Hai bên bờ kinh Chợ Gạo dài hơn 28km, có hàng ngàn gia đình ở các xã Thuận Mỹ, Thạnh Vĩnh Đông (Châu Thành, Long An), Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang), Bình Phục Nhứt, Quơn Long, Tân Thuận Bình, Bình Phan, thị trấn Chợ Gạo, đang sống thắc thỏm trên miệng bà thuỷ. Ở Quơn Long, Tân Thuận Bình, sạt lở đã tiến sát chân con đường nhựa từ thị trấn Chợ Gạo về Long An, hàng trăm gia đình phải di dời. Tại xã Bình Phục Nhứt, hơn 400 gia đình ở hai ấp Bình Khương 1, Bình Khương 2 đang sinh sống bên bờ lở, cách mép sông chưa đầy 50cm. Bà Châu Thị Tầm, phó bí thư đảng uỷ xã, cho biết UBND huyện Chợ Gạo đã nhiều lần huy động xáng cạp đào đất đắp bờ nhưng đắp lên bao nhiêu tụt hết bấy nhiêu. Bây giờ xã chỉ có thể vận động dân, sạt lở tới đâu dời nhà chạy tới đó! Ông Tám Hùng, chủ ngôi nhà sắp sập đánh liều: “Chừng nào thuỷ thần kêu thì dạ, chớ biết di dời nhà đi đâu”.
Theo ông Nguyễn Đình Thi, phó giám đốc đoạn Quản lý đường thuỷ nội địa số 11 (cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam), hai năm gần đây bờ kinh bị sạt lở nặng nề, có 117 vị trí sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền gần 20m. Kinh Chợ Gạo là tuyến vận chuyển hàng hoá huyết mạch từ đồng bằng lên TP.HCM, mỗi ngày đêm có hơn 1.500 lượt tàu, ghe, sà lan qua lại tạo ra sóng lớn gây sạt lở bờ kinh. Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc sở Giao thông vận tải Tiền Giang, cho biết một dự án mở rộng kinh Chợ Gạo thêm 80m về phía bờ đông và xây dựng bờ kè với kinh phí khoảng 5.000 – 6.000 tỉ đồng đang được bộ xem xét, nếu được bố trí vốn, có thể năm 2010 sẽ khởi công.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị