Mua nhà phải đóng 'bảo hiểm BĐS': Chỉ giúp DN nhiều tiền

Cập nhật 04/05/2015 16:09

"Quy định mới này, tạo điều kiện tốt cho những DN giàu có hoạt động và nó sẽ làm cho những DN nghèo, cô thân ngày càng khó khăn thêm".

 "Quy định mới này, tạo điều kiện tốt cho những DN giàu có hoạt động và nó sẽ làm cho những DN nghèo, cô thân ngày càng khó khăn thêm".

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đực - Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành trước quy định mới của Luật kinh doanh BĐS về việc chủ đầu tư các dự án bán nhà hình thành trong tương lại phải mua phí bảo lãnh của Ngân hàng.

Vô hình chung gây khó khăn cho chủ đầu tư và người mua nhà

* Theo quy định mới của Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, thực hiện từ 1/7, chủ đầu tư dự án khi bán nhà hình thành trong tương lai phải mua bảo lãnh của ngân hàng. Từ trước đến nay, chuyện mua bảo hiểm vẫn được coi là một dịch vụ tự nguyện, nếu chúng ta đưa vào quy định trong Luật, có hợp lý hay không, thưa ông?

Trong trường hợp đây là bảo hiểm bắt buộc thì việc mua bán nhà có cần áp dụng bảo hiểm bắt buộc hay không?

Ông Nguyễn Văn Đực: - Thứ nhất, đây mới chỉ là khuyến cáo của Bộ Xây dựng, còn tùy từng trường hợp, từng doanh nghiệp có cần bảo lãnh hay không, tất nhiên không thể bắt buộc dự án nào cũng phải mua phí bảo lãnh.

Thứ hai, nếu bảo lãnh thì thủ tục như thế nào tất cả vẫn chưa cụ thể, thậm chí coi chừng sẽ gây khó khăn cho DN, người mua, hơn hết, chưa chắc đã có ngân hàng nào đứng ra bảo lãnh.

Chính vì vậy, nó sẽ vô hình chung gây khó khăn cho DN và người mua nhà, không giúp ích gì cho thị trường. Nếu Luật được đưa ra mà không bảo đảm, không mua bán được, gây trở ngại hơn là giúp ích cho thị trường thì có nên đưa ra hay không?

* Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi cũng đã đưa ra nhiều quy định để siết chặt hơn hoạt động kinh doanh này, đặc biệt là cấm việc mua bán nhà trên giấy. Thế nhưng, nếu như bây giờ áp dụng quy định chủ đầu tư phải mua phí bảo lãnh của ngân hàng cho các dự án hình thành trong tương lai, thì có phải đồng nghĩa với việc công nhận sự tồn tại và ủng hộ cho hình thức mua bán nhà trên giấy hay không?

Ông Nguyễn Văn Đực: - Hình thức mua bán nhà trên giấy đã được hình thành cách đây rất lâu và nó giúp cho DN không đủ vốn có thể bán được nhà. Vì thế, đừng nên vì một số trơờng hợp lừa đảo mà ngăn cản hết chuyện mua bán nhà được hình thành trong tương lai.

Hàng trăm ngàn ngôi nhà trên giấy vẫn đang hoạt động tốt đẹp, bỗng nhiên lại bị gây khó khăn hơn, bởi vì nói chung làm cái gì cũng có xác suất rủi ro, nhưng không nên vì xác suất đó mà ra luật lệ ngăn cản mua bán.

Sự phát triển của thị trường BĐS VN là hình thành từ mua nhà trên giấy, rót vốn đầu tư xây dựng, đơn giản là bởi vì, chúng ta không có DN nào có đủ tiền để làm hết những công trình, rồi sau đó mới bán hàng.

* Theo quy định, trên danh nghĩa người dân sẽ được hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác nếu vì lý do nào đó mà chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho khách hàng theo đúng tiến độ đã cam kết.

Thế nhưng, nếu như số tiền mua bảo hiểm rủi ro BĐS lại cộng vào giá nhà, trong khi doanh nghiệp có thể huy động được nguồn tiền ngay sau khi có dự án, vậy thì thực chất, chủ đầu tư hay người dân sẽ là người được hưởng lợi nhờ Luật mới này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đực: - Thực ra, tôi chưa thấy điều lợi mà đã thấy điều hại. Tuy nhiên, điều thấy rõ ràng nhất là quy định mới này, tạo điều kiện tốt cho những DN giàu có hoạt động và nó sẽ làm cho những DN nghèo, cô thân ngày càng khó khăn thêm.

Hiện nay, có những DN nhiều tiền, có những DN là sân sau của Ngân hàng, được Ngân hàng cho nợ vốn nhiều nên có thể thoải mái xây dựng hoặc có ngân hàng bảo trợ, tài trợ.
Giá căn hộ sẽ phải

Giá căn hộ sẽ phải "gánh" thêm phí bảo lãnh

Trong khi, các DN nghèo, cô thân thì phải chịu nhiều khó khăn, đây chính là sự bất công, chèn ép DN vừa và nhỏ. Trước đó, tuy là DN vừa và nhỏ nhưng có thương hiệu, uy tín, nếu không bắt buộc có bảo lãnh, thì họ vẫn có thể hoạt động, có khách hàng, không nhất thiết phải có bảo lãnh thì mới bảo đảm đó là DN tốt. Bên cạnh đó, cũng có nhiều DN rất lớn mua phí bảo lãnh nhưng vẫn lừa đảo.

Để thấy, vấn đề đặt ra là sau những năm vừa rồi có lừa đảo, có thất bại thì người dân có trưởng thành, có khôn ngoan hơn, biết tìm DN nào uy tín, sản phẩm nào đang dần hoàn thành, sản phẩm nào chắc chắn có sản phẩm để mua.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt