Mua nhà ở xã hội để… cho thuê

Cập nhật 14/09/2013 09:30

Nhiều cán bộ, công chức được thuê, mua nhà ở xã hội nhưng không ở mà cho thuê lại, dù luật không cho phép. Tình trạng này đang diễn ra tại chung cư Đông Hưng 2 (ảnh) (Q.12, TP.HCM).

Nhiều cán bộ, công chức được thuê, mua nhà ở xã hội nhưng không ở mà cho thuê lại, dù luật không cho phép. Tình trạng này đang diễn ra tại chung cư Đông Hưng 2 (ảnh) (Q.12, TP.HCM).

Chung cư Đông Hưng 2 được xây dựng bằng vốn ngân sách, đã bàn giao cho chủ căn hộ từ tháng 4/2011. Đối tượng được thuê, thuê mua căn hộ ở chung cư này là những người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp thành phố có khó khăn về nhà ở. Thực tế không hẳn vậy! Nhiều người ngay sau khi nhận nhà đã cho thuê lại, thậm chí một số căn hộ cho đến giờ vẫn chưa có người ở.


Cho thuê công khai

Theo quy định, người thuê, mua nhà ở xã hội (NƠXH) không được quyền bán lại hoặc cho thuê lại cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước (trong khoảng thời gian 15 - 20 năm). Trong hợp đồng thuê, mua, Sở Xây dựng TP.HCM cũng ghi rõ điều khoản này. Tuy nhiên, nhiều chủ hộ sau khi nhận nhà đã công khai đăng tin cho thuê lại.

PV đã liên hệ với người phụ nữ tên Nga theo số điện thoại 0979797XXX đăng tin cho thuê lại căn hộ tại chung cư Đông Hưng 2 trên một trang web với mức giá bốn triệu đồng/tháng. Chị Nga cho biết, căn hộ của chị hiện đã cho thuê. Tương tự, điện thoại cho anh Nguyên (số điện thoại: 0913626XXX), anh này cho biết giá căn hộ cũng bốn triệu đồng/tháng, nhưng hẹn cuối tháng Chín liên hệ lại, vì đang cho thuê, đến đầu tháng Mười tới mới hết hợp đồng.

Bà chủ quán cơm bên cạnh chung cư này cho biết: “Đông Hưng 2 cho thuê nhiều lắm. Chú cứ hỏi ông bảo vệ sẽ có vì nhiều người ký gửi ở đó”. Tuy nhiên, ông bảo vệ ngồi ở cửa ra vào của tòa nhà cho biết, hiện không còn căn nào vì đã cho thuê hết. Bên cạnh đó, không ít căn hộ chưa có người ở từ khi được bàn giao. Anh C., cán bộ của Công ty TNHH một thành viên Phát triển và kinh doanh nhà (thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn), chủ đầu tư chung cư Đông Hưng 2 khẳng định, một số căn hộ cho đến giờ vẫn chưa có người ở.

Cơ chế xét duyệt có vấn đề?

Khoảng giữa năm 2012, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã công bố kết quả điều tra về thị trường căn hộ cho thuê (đối với người thu nhập thấp) tại TP.HCM. Theo đó, có đến 40 - 45% cán bộ, công chức được bố trí thuê mua NƠXH tại chung cư Đông Hưng 2 đã cho người khác thuê nhà. Kết quả của điều tra này cho thấy, đến tháng 7/2012, chỉ 40 căn hộ có người ở là “chính chủ”, số còn lại đóng cửa và khoảng 45 căn hộ được cho thuê lại.

Theo TS Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), chủ nhiệm đề tài nói trên, nguyên nhân chủ yếu của việc người thuê mua NƠXH cho thuê lại căn hộ, là do việc chọn đối tượng chưa đúng. Ngoài ra, khoảng cách từ chung cư này vào trung tâm khá xa, cộng với nạn kẹt xe cũng là vấn đề khiến nhiều người cho thuê lại căn hộ NƠXH để lấy tiền thuê nơi khác thuận tiện cho công việc hơn. TS Tân cho rằng, chắc chắn việc xét duyệt đối tượng của cơ quan chức năng có thiếu sót. Thiếu sót này đến từ việc không để thị trường vận hành theo quy luật mà can thiệp quá sâu vào cả cung lẫn cầu, khiến thị trường méo mó và nảy sinh tiêu cực.

“Thay vì chỉ nên ưu đãi về thuế và để doanh nghiệp tự quyết định dự án của mình về thiết kế, đầu ra… thì Nhà nước lại quyết định tất cả” - TS Tân khẳng định.

Ông Tân đề xuất, nên thay đổi cơ chế chính sách phát triển NƠXH từ việc ưu đãi cho đến xác định đối tượng để thị trường này hoạt động thông thoáng hơn. Nếu không, tình trạng người có nhu cầu thì không mua được nhà, người không có nhu cầu lại được mua sẽ tiếp tục diễn ra.

DiaOcOnline.vn - Theo Phụ Nữ TP