Theo ông Nguyễn Văn Phấn - Phó cục trưởng Cục quản lý phát triển nhà ở và thị trường BĐS, việc chủ đầu tư nhà ở xã hội nhận tiền đặt cọc của người mua nhà là cần thiết. Tuy nhiên, mức đặt cọc phải rất linh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Phấn cho biết, vấn đề đặt cọc trong việc mua bán, cho thuê nhà ở xã hội đã được quy định tại Bộ Luật dân sự nhưng dựa trên nguyên tắc các bên thỏa thuận trừ trường hợp pháp luật quy định. Đối với mua bán nhà ở thương mại vấn đề nhận đặt cọc là việc bình thường.
Còn đối tượng mua nhà ở xã hội được nhà nước miễn giảm một số khoản, như không thu tiền sử dụng đất, miễn giảm VAT…, đối tượng mua nhà ở xã hội cũng do nhà nước quy định. Vì vậy, theo quyết định 67/2009 của Chính phủ quy định về nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không quy định về đặt cọc.
Thực tế đang xảy ra tình trạng người thu nhập thấp đã đăng ký mua, thậm chí là ký hợp đồng mua nhà nhưng lại quyết định rút hồ sơ không mua nữa. Điều này gây mất thời gian, cơ hội cho doanh nghiệp trong khi còn rất nhiều người đăng ký nhưng không được xét duyệt. Vì vậy, việc đặt cọc là cần thiết để rành buộc trách nhiệm của người mua. Tuy nhiên, đối với nhà ở xã hội, việc nhận đặt cọc nên quy định ở mức phù hợp.
Trong dự thảo Bộ Xây dựng đang được Chính phủ giao cho sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, Bộ đã đề cập đến vấn đề đặt cọc khi thuê, mua nhà ở nói chung. Trong đó, nhà ở thương mại hai bên mua và bán tự thỏa thuận mức đặt cọc là bao nhiêu. Đối với nhà thu nhập thấp do các đối tượng mua đều là người nghèo vì vậy mức đặt cọc cũng phải thấp.
"Tôi cho rằng, việc mua bán nhà ở xã hội, đối tượng mua nhà có điều kiện. Những người mua nhà có nhu cầu thực sự do vậy việc đặt cọc phải linh hoạt. Tất nhiên, mức đặt cọc nhiều thì độ an toàn sẽ lớn hơn nhưng đặt cọc nhiều đối với người mua nhà ở xã hội có nên không thì cần phải được cân nhắc kỹ cho phù hợp. Điều này cũng đảm bảo cho người mua nhà và chủ đầu tư hơn" ông Phấn nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia