Mua nhà đất dự án: Chủ đầu tư làm chưa đến nơi đến chốn, người dân gánh chịu!

Cập nhật 29/02/2008 10:00

Thời gian qua, có nhiều thông tin phản ánh về tình trạng mua nền nhà ở hợp pháp nhưng 5-8 năm qua vẫn chưa được cấp chủ quyền...

Thời gian qua, có nhiều thông tin phản ánh về tình trạng mua nền nhà ở hợp pháp nhưng 5-8 năm qua vẫn chưa được cấp chủ quyền. Chủ đầu tư đổ lỗi cho chính quyền địa phương gây khó khăn, trong khi thực tế họ chưa hoàn chỉnh hạ tầng. Cuối cùng, những người mua nền nhà dự án là chịu thiệt.

Mua nền nhà hợp pháp, làm giấy tờ không được

Nhiều người dân ở khu Nam Long P.Tân Thuận Đông Q.7 phản ánh, sau khi phần nhà của họ bị giải tỏa để Nhà nước xây dựng cầu Phú Mỹ, họ đã về mua đất dự án của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (trụ sở 181 Điện Biên Phủ P. Đakao Q1 TPHCM) cất nhà ở. Đã 3 cái tết rồi mà họ vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền nhà. Bà con thắc mắc thì Công ty Nam Long nói đã nộp hồ sơ xin cấp chủ quyền đến UBND quận 7.

Bà con đến hỏi thì được UBND quận 7 trả lời đất của Công ty Nam Long là dự án nhà ở chứ không phải là phân lô bán nền nhà, do đó phải chờ cất nhà hết rồi mới cấp giấy chủ quyền một lượt. Tại khu dân cư Nam Long này, số lượng nhà mới xây chiếm khoảng trên 50% số lượng nền nhà có trong dự án.

Nhiều hạng mục công trình công cộng khác vẫn chưa được Nam Long đầu tư xây dựng. Ông Dương Văn Hai (nhà số A67 khu Nam Long) cho biết, số lượng những người mua đất để đầu cơ, chờ tăng giá khá nhiều.

Những nền đất đang để trống, cỏ mọc um tùm đã được mua đi bán lại qua hàng chục đời chủ nhưng rất ít người trong số này xây nhà để ở. Ông Hai than, ông thiếu vốn đầu tư kinh doanh du lịch nhưng khổ nỗi, có nhà mà không có giấy chủ quyền nên chẳng có ngân hàng nào chịu cho vay. Hiện nay, ông phải vay tiền ở bên ngoài với lãi suất cao hơn ngân hàng rất nhiều lần.

Tương tự, nhiều hộ ở khu An Khánh 3 phường Bình An quận 2 TPHCM (do Công ty Đầu tư phát triển đô thị - nay là Công ty cổ phần Phát triển đô thị Bình Minh làm chủ đầu tư) cũng phản ánh, họ mua đất của Công ty Bình Minh và về cất nhà ở từ năm 2000. Đến nay đã 8 năm mà các hộ vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền nhà.

Trong số 69 hộ mua nền nhà, hiện còn 20 hộ chưa được nhận nền nha,ø vì một phần đất trong dự án của Công ty Bình Minh đang bị một người dân địa phương khiếu nại về việc đền bù. Ông Vương Đình Lợi-nhà số 3G1 đường số 22 tổ 30A khu phố 2 phường Bình An cho biết, ông bị Công ty Bình Minh lừa. Khi mua nền, công ty hứa sẽ làm ngay chủ quyền khi nhà xây xong nhưng nay “lòi” ra việc khiếu nại tranh chấp đất và đã 8 năm rồi chưa giải quyết xong.

Nhiều hộ dân khác nằm trong khu số 1 do Công ty Thép miền Nam quy hoạch tại phường Thảo Điền quận 2 TPHCM cũng than, đã xây nhà nhưng không được giải quyết cấp chủ quyền nhà. Ông Phạm Ngọc Dũng (số 216/A8 Nguyễn Văn Hưởng phường Thảo Điền) cho biết, năm 1993, ông và nhiều người khác đã đăng ký mua nền nhà thuộc dự án khu quy hoạch dân cư của Công ty Thép miền Nam.

Đã 15 năm nay, tất cả các nghĩa vụ mà Công ty Thép miền Nam yêu cầu bà con đã hoàn tất, tuy nhiên đến nay chưa có hộ nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là vấn đề bức xúc làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 40 gia đình tại đây trong việc xin đồng hồ nước, điện, xin số nhà, nhập hộ khẩu, mua bán, thế chấp tại ngân hàng… do không có giấy chủ quyền.

Bị “treo” giấy chủ quyền vì lỗi của chủ đầu tư

Theo UBND quận 7, Công ty Nam Long phải đầu tư xây dựng nhà và hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở thì UBND quận 7 mới tiến hành cấp giấy hồng cho Công ty Nam Long. Sau đó, Công ty Nam Long được quyền sang nhượng cho các khách hàng theo quy định.

Ông Phạm Đăng Dũng, quyền giám đốc nhân sự - quản trị Công ty Nam Long cho biết, theo ý kiến của quận 7 là chờ để cấp giấy chủ quyền đồng loạt một lần là chưa ổn. Vì nếu như một số khách hàng vì một lý do nào đó chưa thể xây nhà thì toàn bộ các hộ khác bị “treo” giấy chủ quyền theo.

Để giải quyết vấn đề này, Công ty Nam Long đã có văn bản kiến nghị UBND quận 7 giải quyết cấp giấy chủ quyền cho Công ty Nam Long đối với những căn nhà đã xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt.

Còn khu đất dự án An Khánh 3 - ông Nguyễn Ngọc Thành - Giám đốc các dự án quận 2 thuộc Công ty cổ phần Phát triển đô thị Bình Minh cho biết, hiện nay vẫn còn hộ bà Nguyễn Thị Vàng bao chiếm diện tích trên 2.000m2. Do đó công ty chưa thể hoàn chỉnh hạ tầng được.

Được biết, Công ty Bình Minh chưa nộp đủ số tiền trên 10 tỷ đồng tiền giá trị quyền sử dụng đất khu An Khánh 3 cho ngân sách nhà nước.

Theo Tổ công tác liên ngành thì hồ sơ thu hồi và giao đất cho Công ty Bình Minh còn nhiều vấn đề chưa giải quyết, đặc biệt là việc giải quyết tranh chấp đất với bà Nguyễn Thị Vàng đang chờ Thanh tra Chính phủ trả lời, nên chưa thể giải quyết thủ tục giao khu đất này cho Công ty Bình Minh. Tương tự, dự án khu nhà ở của Công ty Thép miền Nam cũng đang trong tình trạng bị tranh chấp và công ty chưa hoàn chỉnh được hạ tầng đường giao thông, công viên cây xanh nên UBND quận 2 cũng từ chối cấp chủ quyền cho các hộ dân.

Dân chịu thiệt, nhà nước thất thu

Việc các hộ dân chưa được cấp chủ quyền nhà đất đã làm ngân sách nhà nước thất thu một khoản thuế đáng kể. Chính quyền địa phương không thể thu thuế thổ trạch hàng năm, tiền trước bạ sang tên khi người dân chưa có chủ quyền nhà.

Còn người dân đã đóng tiền mua đất cho chủ đầu tư, nay giấy chủ quyền bị “treo” nên các quyền thừa kế, thế chấp, góp vốn, không thể thực hiện được. Trong khi đó, hộ nào muốn sang nhượng lại nền đất, nhà đều buộc phải đến công ty (chủ dự án) để làm thủ tục và phải trả một mức phí đáng kể cho công ty. Tùy quy định của các công ty mà mức phí này có thể là 1% trên giá bán thực tế hoặc vài chục triệu đồng/lần sang tên. Như vậy, đất được chuyển nhượng nhiều lần, công ty càng được hưởng lợi nhiều.

Nhiều người dân cho rằng việc chủ đầu tư làm sai khi không thực hiện hoàn chỉnh hạ tầng nhưng chính quyền địa phương lại đi “siết” người mua (các khách hàng của công ty) thông qua việc “treo” giấy chủ quyền nhà là chưa hợp lý, vì gây thiệt hại trực tiếp cho người dân. Điều trớ trêu hơn là việc treo giấy chủ quyền càng lâu thì chủ đầu tư lại càng được hưởng lợi từ lệ phí sang tên.

Theo Sài Gòn Giải Phóng