Ông Đỗ Đức Đôi, Phó Vụ trưởng Vụ Đăng ký thống kê đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Bộ đang khẩn trương hoàn tất dự thảo nghị định về gộp...
Ông Đỗ Đức Đôi, Phó Vụ trưởng Vụ Đăng ký thống kê đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Bộ đang khẩn trương hoàn tất dự thảo nghị định về gộp “giấy đỏ” với “giấy hồng” lại thành một giấy để trình Chính phủ.
Theo dự thảo, nhà nước sẽ thống nhất một loại giấy chung về quyền sử dụng đất lẫn quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Không chỉ thế, nghị định còn thống nhất hệ thống đăng ký đất đai và các tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ra nghị quyết giao Chính phủ quy định thống nhất giấy tờ nhà đất thì Chính phủ mới có thể ban hành nghị định trên.
Còn tranh cãi về đầu mối cấp giấy
Vấn đề thống nhất cơ quan cấp giấy còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ chuyên ngành. Bộ Xây dựng vẫn giữ quan điểm “nước đôi” khi cho rằng việc tồn tại nhiều giấy là vẫn có thể xảy ra, như thế dễ dàng hơn cho quản lý. Mặc dù lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận không có nước nào tồn tại hai hệ thống đăng ký bất động sản như ở Việt Nam hiện nay.
Nhiều ý kiến đề xuất giao Bộ Tư pháp thống nhất thực hiện việc cấp giấy. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý hệ thống đăng ký bản đồ mà trước đây nhà nước đã đầu tư nhiều tỷ đồng. Bộ này cũng đang quản lý một hệ thống văn phòng đăng ký đất đai rộng khắp cấp tỉnh và cấp huyện trên cả nước.
Nếu chuyển toàn bộ hệ thống đo đạc bản đồ và đăng ký đất đai hiện có sang Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp thực hiện chức năng cấp giấy chủ quyền nhà đất thì cực kỳ phức tạp và gây xáo trộn lớn. Bộ Tư pháp đề xuất nên giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy tờ nhà đất thống nhất sẽ thuận tiện hơn.
Mặt khác, theo Luật Nhà ở, việc cấp chủ quyền nhà được giao cho bên xây dựng làm nhưng thực tế nhiều địa phương vẫn giao cho bên tài nguyên và môi trường thực hiện như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... Ông Đôi cho biết dự thảo nghị định dự kiến giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối cấp giấy tờ nhà đất.
Giấy mới sẽ có cả “lý lịch” nhà đất
Ông Đôi khẳng định khi nghị định trên được ban hành thì những giấy chủ quyền hợp pháp được cấp trước đây không phải đổi sang giấy mới. Những giấy tờ nhà đất hiện hành sẽ tồn tại song song với giấy mới trong một thời gian nhất định. Trong quá trình chuyển dịch chủ quyền nhà đất thì người dân sẽ đổi giấy cũ sang giấy mới luôn.
Theo dự thảo, mẫu giấy chủ quyền nhà đất mới sẽ kế thừa các ưu điểm của giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cấp theo Nghị định 60 năm 1994 về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị (tức “giấy hồng” cũ). Giấy mới được gọi là “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Giấy mới sẽ có phần ghi về đất và các tài sản gắn liền với đất như nhà ở, công trình xây dựng khác, nhà máy, rừng...
Trường hợp đất của một người và tài sản gắn liền với đất đó lại thuộc một người khác thì giấy mới sẽ cấp cho hai người hai bản như nhau ghi rõ đất là của ông A, nhà của ông B. Các biến động về sử dụng đất cũng như tài sản gắn liền với đất sẽ được chỉnh lý ngay trên trang bổ sung của giấy mới. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng giữa đất ở và đất không phải là đất ở được tiếp tục đăng ký biến động trên giấy chứng nhận đã cấp mà không phải đổi giấy chứng nhận. Ông Đôi cho biết vào ngày 1 - 11, các bộ ngành liên quan sẽ họp để thống nhất một số nội dung về vấn đề gộp “giấy đỏ” và “giấy hồng”.
Theo Pháp Luật