Mòn mỏi ngóng “phao cứu sinh”

Cập nhật 15/11/2022 13:46

Dòng vốn bị tắc, nhiều doanh nghiệp bất động sản cạn kiệt dòng tiền, loay hoay với bài toán làm thế nào để tồn tại.

Dòng vốn bị tắc, nhiều doanh nghiệp bất động sản cạn kiệt dòng tiền, loay hoay với bài toán làm thế nào để tồn tại.

Nhiều công trình đang xây dựng tại TP. Thủ Đức không còn cảnh công nhân nhộn nhịp làm việc. Ảnh: Lê Toàn

“Nằm im thở khẽ”

Tháng 11 hàng năm thường là thời điểm bận rộn của các ngành nghề, đặc biệt là với lĩnh vực bất động sản, bởi các chủ đầu tư, đơn vị môi giới, nhà thầu xây dựng… đẩy mạnh cuộc đua nước rút để hiện thực hóa kế hoạch cả năm và chuẩn bị đón Tết. Tuy nhiên, không khí của thị trường bất động sản năm nay diễn ra khá bất thường.

Dạo một vòng quanh thị trường bất động sản phía Nam những ngày đầu tháng 11/2022, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, từ hoạt động môi giới đến tiến độ xây dựng tại nhiều công trình rơi vào cảnh đìu hiu.

Tại một đại dự án bất động sản ở Đồng Nai, công trình mà trước đó không lâu, công nhân xây dựng, nhân viên kinh doanh ra vào tấp nập, giờ đây thưa thớt bóng người.

“Những ngày gần đây, không hiểu vì lý do gì mà tự dưng không thấy công nhân đến làm việc, trong khi trước đó, mỗi ngày có cả ngàn công nhân ra vô tấp nập”, một chị bán xôi trước cổng dự án nói và tỏ ra lo lắng, bởi lượng khách mua xôi chính của chị không biết bao giờ mới trở lại.

"Tình trạng dừng dự án, cắt giảm nhân sự không còn là chuyện mang tính cá biệt, diễn ra ở một số doanh nghiệp, mà đang có xu hướng lan rộng trên thị trường bất động sản."

Không ít dự án khác cũng xuất hiện tình trạng “nằm im thở khẽ”. Tại một dự án bất động sản lớn ở TP.HCM chỉ có lác đác vài nhân viên vệ sinh dọn dẹp, không còn cảnh hàng trăm công nhân xây dựng làm việc như trước. Có dự án đang xây dựng dở dang, nhưng nhà thầu xây dựng đã cho tháo dỡ toàn bộ giàn giáo.

Nhằm tiết giảm chi phí, một tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM có quy mô hàng ngàn nhân viên kinh doanh (sale) mới đây đã quyết định cắt giảm hơn 70% nhân sự sale. Theo đại diện tập đoàn này, sắp tới có thể tiếp tục cắt giảm nhân sự ở các bộ phận khác, vì không còn đủ sức để trả lương.

Trước đó, một công ty bất động sản có quy mô tương tự công bố cắt giảm 50% trong số 2.000 nhân sự sale và xây dựng. Công ty đưa ra 2 phương án để nhân viên lựa chọn. Một là, nhân viên ở lại làm việc, không nhận lương, công ty sẽ đóng bảo hiểm xã hội. Hai là, nhân viên nghỉ hẳn, công ty sẽ hướng dẫn nhận trợ cấp thất nghiệp, khi nào công ty hoạt động bình thường sẽ mời trở lại làm việc.

Tình trạng dừng dự án, cắt giảm nhân sự không còn là chuyện mang tính cá biệt, diễn ra ở một số doanh nghiệp, mà đang có xu hướng lan rộng.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã nêu lên thực trạng thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để tìm đường tồn tại.

Nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, biện pháp “đau đớn” mà các doanh nghiệp đang phải thực hiện lúc này là thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất - kinh doanh như dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình, dừng triển khai các dự án mới… Mặt khác, doanh nghiệp cũng tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, dù đây là nguồn nhân lực mà doanh nghiệp đã dày công tuyển dụng và đào tạo trong nhiều năm.
Một công trình lớn thưa thớt bóng công nhân. - Ảnh: Lê Toàn

Chờ “phao” cứu sinh

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản than thở: “Gần 20 năm tham gia hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chưa khi nào tôi thấy thị trường khốc liệt như giai đoạn hiện nay”.

“Đặc thù của kinh doanh bất động sản đòi hỏi nguồn vốn lưu động lớn, nhưng hiện không còn đường tìm vốn. Doanh nghiệp địa ốc cơ bản có 3 nguồn vốn chính để tiếp cận và hoạt động gồm vốn vay ngân hàng, vốn phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng, song cả 3 kênh này đều đang tắc. Doanh nghiệp không còn nguồn thu, trong khi chi phí vận hành, chi phí lãi vay không ngừng ập đến, thì làm sao doanh nghiệp sống được”, vị tổng giám đốc chia sẻ và cho rằng, rất ít doanh nghiệp bất động sản, dù lớn hay nhỏ, có dòng tiền nhàn rỗi để dành hoặc gửi ngân hàng, mà hầu hết đưa vào hoạt động đầu tư, kinh doanh. Do vậy, giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp có tài sản, nhưng thiếu dòng tiền và rơi vào tình trạng “chết” lâm sàng, chết trên đống tài sản của chính mình.

Là người tâm huyết với thị trường bất động sản, được các doanh nghiệp thường xuyên chia sẻ về những khó khăn cũng như thuận lợi trong hoạt động, ông Lê Hoàng Châu nhận xét, khó khăn của thị trường bất động sản hiện đã lên đến đỉnh điểm, đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái.

Theo ông Châu, một số doanh nghiệp (không tiện nêu tên) tâm sự, do tắc nguồn vốn nên phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án.

Tuần qua, tại TP.HCM đã diễn ra một cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cùng đại diện Bộ Xây dựng, HoREA với các doanh nghiệp bất động sản. Vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp “kêu”, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh có nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Nhưng để giải quyết vướng mắc này không thể một sớm một chiều, trong khi đó, tình trạng chung của thị trường bất động sản hiện nay là “nước xa không cứu được lửa gần”. Do vậy, một trong những mong muốn được các doanh nghiệp kiến nghị khẩn cấp là Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần tín dụng từ 14% lên 15% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, có thể có một bộ phận doanh nghiệp địa ốc “vung tay quá trán” trong hoạt động kinh doanh, cần phải có sự điều tiết của Nhà nước để ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng hệ lụy của thị trường hiện nay là tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ, tốt xấu đều bị ảnh hưởng.

“Tác động lớn nhất khiến thị trường bất động sản bị tác động là tê liệt tâm lý, sự mất niềm tin vào thị trường, khiến cho thị trường bị mất thanh khoản. Hay câu chuyện thay vì kiểm soát tín dụng vào bất động sản không an toàn, thì hiện tín dụng bị siết chặt với cả những những dự án, người có nhu cầu ở thật…”, đại diện một doanh nghiệp địa ốc nói và kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách phân loại doanh nghiệp, tách nhóm theo cấp độ rủi ro và có chính sách riêng biệt, không đánh đồng. Các chính sách tiền tệ cũng cần đồng hành với doanh nghiệp nhằm đảm bảo dòng vốn đúng mục đích, hỗ trợ trong ngắn hạn lẫn dài hạn, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp dựa trên tiêu chí các nhóm doanh nghiệp đã được đánh giá và phân loại.

DiaOcOnline.vn – Theo ĐTCK