Mối nguy tiềm ẩn của thị trường bất động sản

Cập nhật 04/10/2022 11:30

Lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản cũng như dòng tiền đầu tư của các lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản, bởi đây là kênh sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn.

Lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản cũng như dòng tiền đầu tư của các lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản, bởi đây là kênh sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn.



Khách hàng lo lắng

Lâu nay, người mua nhà để ở hay để đầu tư thường dùng đòn bẩy tài chính khá nhiều. Vì vậy, động thái tăng lãi suất mới đây của ngân hàng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như quyết định mua nhà của nhiều khách hàng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn là 5%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ. Lãi suất tái chiết khấu là 3,5%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ. Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng 1%/năm, lên 6%/năm. Như vậy, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã tăng 1%/năm so với quy định cũ.

Anh Lê Thanh Tùng, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại TP. Thủ Đức cho hay, đầu năm 2021, thấy lãi suất vay mua nhà rẻ, chỉ khoảng hơn 5%/năm, nên anh đã quyết định vay để mua một căn hộ gần 2 tỷ đồng tại khu vực quận 2 cũ (nay là TP. Thủ Đức).

Để mua được căn nhà trên, anh đã vay đến 60% giá trị căn hộ (khoảng 1,2 tỷ đồng) với thời hạn 10 năm. Thực tế, lúc mua thì thấy lãi suất chỉ khoảng 5%/năm, nhưng đến khi mua thì lại được ưu đãi ân hạn đến 1 năm rưỡi. Hết thời gian này, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Hiện nay, đã sắp hết thời gian ân hạn, anh phải bắt đầu đóng tiền. Nếu lãi suất thả nổi thời gian tới tăng cao, thì số tiền gốc và lãi mà anh phải chi trả cũng tăng.

“Thời gian đầu có thể lãi suất sẽ chưa tăng nhiều, nhưng nếu lãi suất tiếp tục tăng cao hơn thì sẽ vượt khả năng tài chính của vợ chồng tôi”, anh Tùng lo lắng.

Tương tự, anh Lê Tài (quê Bình Thuận) cũng “run” trước thông tin lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao. Anh Tài cho hay, anh đang có ý định vay ngân hàng số tiền 1 tỷ đồng, thời hạn 10 năm để mua chung cư với lãi suất năm đầu tiên là 8,5%/năm, sau đó sẽ thả nổi theo thị trường. Như vậy, nếu lãi suất giữ ở mức này thì anh đủ khả năng chi trả hàng tháng, nhưng sợ thời gian tới lãi suất sẽ tăng.

“Nếu lãi suất thả nổi mà tăng cao thì số tiền phải trả hàng tháng sẽ vượt khả năng của gia đình tôi. Không chỉ lãi suất vay tăng, mà muốn vay được cũng cần chờ lâu, do đó vợ chồng tôi vẫn chưa thể đưa ra quyết định có nên xuống tiền hay không, mà cần thêm thời gian để cân nhắc”, anh Tài nói.

Doanh nghiệp cũng đứng ngồi không yên

Không chỉ với khách hàng, mà doanh nghiệp bất động sản cũng là đối tượng chịu nhiều khó khăn và rủi ro khi tăng lãi suất. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn vốn đi vay ngân hàng, trong khi người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này sẽ chịu tác động kép.

Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME phân tích, khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thì sớm hay muộn cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Đó là chưa kể, vừa qua, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, nếu các ngân hàng trong nước không tăng theo, đồng Việt Nam sẽ rất dễ bị mất giá và điều này không tốt cho nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.

“Tăng lãi suất là một trong những công cụ siết dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản. Nếu lãi suất thấp, người dân có xu hướng rút tiền đổ vào bất động sản để tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn. Nhưng nếu lãi suất cao, ngược lại, người dân sẽ gửi tiền vào ngân hàng, dòng tiền vào bất động sản hạn chế. Mặt khác, lãi suất cho vay tăng, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính không có khả năng trả nợ sẽ buộc phải bán cắt lỗ”, ông Phi nói.

Ông Nguyễn Minh Nhật, Tổng giám đốc Vạn Xuân Group chia sẻ, từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp bất động sản phải gồng mình vượt qua dịch bệnh. Việc tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài cũng gặp trở ngại khi phía đối tác đánh giá hành lang pháp lý chưa ổn do thủ tục dự án kéo dài. Hiện có 4 kênh huy động vốn là từ khách hàng, trái phiếu cổ phiếu, quỹ đầu tư (trong nước, ngoài nước) và tín dụng từ ngân hàng, nhưng đến nay các nguồn này đều vướng. Nguồn vốn đóng vai trò huyết mạch với hoạt động của doanh nghiệp bất động sản nên cần sớm được khơi thông.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, thời điểm cách đây hơn 10 năm, khi lạm phát tăng cao, lãi suất cũng được đẩy lên. Kịch bản xảy ra, đó là nhiều đại gia bất động sản “ngã ngựa” vì không thể chịu nổi việc trả lãi cho ngân hàng, thị trường sụt giảm mạnh về thanh khoản. Thế nên, việc tăng lãi suất sẽ tác động mạnh nhất đến nhóm các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư