Mỏi mòn chờ “sổ đỏ”

Cập nhật 16/04/2013 09:04

Đối với lớp cán bộ nhà nước trước đây, mong muốn có được căn nhà với tấm giấy chứng nhận quyền sở hữu để lại cho con cháu như một sự ghi nhận, hay đối với nhiều người đó còn là tài sản giá trị duy nhất cho cả một đời lao động, cống hiến, là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng cho đến nay, khi mà chủ trương bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê (Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994) đã sắp đạt 20 năm tuổi, thậm chí đã sắp đến hồi mãn cuộc, mà mơ ước ấy vẫn chưa thể trở thành hiện thực mà nhiều khi chỉ bởi những lý do rất… vô lý!

Nhiều căn biệt thự Pháp cổ chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa qua thời gian.
Đối với lớp cán bộ nhà nước trước đây, mong muốn có được căn nhà với tấm giấy chứng nhận quyền sở hữu để lại cho con cháu như một sự ghi nhận, hay đối với nhiều người đó còn là tài sản giá trị duy nhất cho cả một đời lao động, cống hiến, là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng cho đến nay, khi mà chủ trương bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê (Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994) đã sắp đạt 20 năm tuổi, thậm chí đã sắp đến hồi mãn cuộc, mà mơ ước ấy vẫn chưa thể trở thành hiện thực mà nhiều khi chỉ bởi những lý do rất… vô lý!

Cơ hội cuối cùng

Cứ sáng sáng, người dân quanh khu nhà 7B phố Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội lại thấy một ông lão chầm chậm bước ra đầu ngõ… Người trong xóm kê riêng một chiếc ghế tựa lưng cho ông. Tức là đến giờ ông đi ăn sáng. Thực ra thì ở cái tuổi ngoài 90 như ông, mắt đã mờ, chân đã chậm, tai nghễnh ngãng cả rồi, hoàn toàn có thể ở yên trong nhà để con cháu cúc cung phục vụ. Nhưng ông cứ thích đi. Vừa là vận động cho khỏe người, mà cũng là gặp người biết chuyện, ông níu lại hỏi: "Việc nhà đất thế nào rồi?".

Nhưng cũng ít người biết ông già hom hem ấy lại từng là "cây" võ thuật trong Lực lượng vũ trang. Ông là Đào Trọng Vận, nguyên Cục phó Cục Cảnh vệ, nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an. Nguyên trước nhà 7B có 7 hộ gia đình thì có tới 3 người là Cục phó Cục Cảnh vệ. Giờ chỉ còn mình ông Vận. Cả một đời phục vụ trong lực lượng, từng đảm nhiệm nhiều trọng trách, những người như ông Vận giờ đây chỉ mong được hợp thức hóa căn nhà của mình để coi như có chút gì để lại cho con cháu mà xem ra khó quá!

Khu tập thể 7B Trần Phú trước đây thuộc quyền quản lý của Cục Cảnh vệ. Tại sao lại gọi là 7B là bởi để phân biệt với số nhà 7A vốn biệt lập với nhau hoàn toàn, chính là tòa nhà của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Ban đầu nhà 7B Trần Phú được Cục Cảnh vệ thuê của thành phố làm nhà công vụ, rồi phân chia cho các hộ gia đình về ở để giải quyết chính sách nhà ở theo thời điểm ấy.

Từ khi có chủ trương bán nhà theo Nghị định 61/CP, các hộ dân, đều là các cán bộ cao cấp của Lực lượng Công an, đã nhiều lần ngồi với nhau, với Cục Cảnh vệ để tìm cách tháo gỡ nhằm đạt được lợi ích chính đáng của mình. Những tưởng cái đích cuối cùng đã đến từ cách đây 5 năm khi ngày 28/5/2008, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký Công văn số 3276/UBND-NNĐC "cho phép chuyển công năng sử dụng nhà số 7 phố Trần Phú và nhà số 48 - 50 phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình và ký hợp đồng cho các hộ gia đình đang sử dụng thuê làm nhà ở".

Những tưởng vấn đề còn lại của các hộ dân đối với cơ quan chủ quản (lúc này là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) chỉ còn lại ở việc tìm đến một thỏa thuận chung về thanh toán tiền thuê nhà còn nợ đọng, đi tới chuyển đổi công năng toàn bộ khu nhà để các hộ dân được trực tiếp ký hợp đồng thuê nhà và tiến tới làm giấy chứng nhận cho chính căn hộ họ vẫn đang ở bấy lâu nay.

Nhưng, câu chuyện nhà đất, vốn tiềm ẩn những cố hữu của nó, chưa bao giờ đúng hẹn. Sau khi từng hộ gia đình ký vào hợp đồng thuê nhà ở với Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, ai cũng nghĩ thời điểm được mua nhà theo chính sách đã cận kề thì đùng một cái, có thông báo nhà của mình thuộc diện… không được bán! Không được bán chẳng phải vì nó thuộc diện nhà biệt thự cổ có giá trị lịch sử hay kiến trúc gì cần phải lưu giữ. Không được bán chẳng phải do tranh chấp, khiếu kiện gì. Mà không được bán chỉ bởi vì nó bị… nhầm lẫn với số nhà bên cạnh - một lý do cực kỳ lãng xẹt.

Chị Quyết, về làm dâu khu nhà 7B Trần Phú đã hàng chục năm nay, bảo không thể ngờ lại có sự quan liêu đến nhường ấy. Chị về làm dâu từ khi Hãng phim Hoạt hình Việt Nam còn đang gọi là Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam. Bao nhiêu lần bên ấy sửa nhà, xây nhà, định mở cổng mở lối đi sang khu 7B này bị người trong khu nhà phản đối, chị đều nhớ rõ. Trước nay, từ trên quận xuống đến phường, tổ dân phố đều biết rõ có 2 số nhà là 7A và 7B.

Như minh chứng cho điều mình nói, chị Quyết đưa ra một loạt các bì thư, giấy gói từ các đơn vị trên gửi đến người dân trong khu nhà đều ghi rõ địa chỉ 7B Trần Phú sau tên người nhận. Thế mà chẳng hiểu sao người ta lại đánh đồng hai số nhà với nhau để rồi đưa toàn bộ số nhà 7B vào diện nhà công vụ, không được bán mặc dù các hộ dân ở đây đều đã có trong tay bản hợp đồng thuê nhà đã ký trực tiếp với Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội.

Và đáng tiếc thay, việc này lại như được báo trước từ chính trong nội dung bản công văn của ông phó chủ tịch thành phố. Như trong công văn đã nói ở trên, những người soạn ra nó đã "hồn nhiên" gộp 2 số nhà riêng biệt, một công một tư vào thành duy nhất "nhà số 7 Trần Phú" một cách tai hại, khiến cho đến tận bây giờ, các hộ dân trong số nhà 7B Trần Phú vẫn cứ phải thấp thỏm chờ tấm sổ đỏ mà đáng ra họ phải có từ rất lâu rồi.

Ngõ vào khu tập thể 7B Trần Phú (ngoài cùng bên phải) biệt lập hoàn toàn với tòa nhà 7A của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.

"Nhà lơ lửng"

Câu chuyện của khu nhà 7B Trần Phú chỉ là một trong hàng trăm ví dụ cụ thể về những vướng mắc trong công tác thực hiện chủ trương bán nhà theo Nghị định 61/CP trên địa bàn TP Hà Nội. Được biết mới đây, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh lại có ý kiến chỉ đạo về việc bổ sung, điều chỉnh biệt thự được bán và không được bán trong quy định, kèm theo đó là rà soát lại danh mục, hồ sơ và hiện trạng các nhà biệt thự hiện có để làm cơ sở trình trước kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố dự kiến diễn ra vào tháng 7/2013. Đây có thể được coi như tín hiệu đáng mừng đối với những trường hợp như khu nhà 7B Trần Phú ở trên, song thực sự trong công tác bán nhà theo Nghị định 61/CP trên địa bàn thành phố còn rất nan giải.

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội còn khoảng 51 nghìn căn trên tổng số 210 nghìn căn nhà thuộc diện bán theo Nghị định 61/CP chưa được bán. Đại diện lãnh đạo của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc chưa bán hết quỹ nhà này có nhiều nguyên do, trong đó có không ít trường hợp "nhà lơ lửng" - đó là việc các cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý từ nhiều năm nay nên hồ sơ gốc của quỹ nhà bị thất lạc hoặc cơ quan chủ quản không còn nên không thể bàn giao; chưa kể cơ quan vẫn còn nhưng nhiều nơi chưa tích cực hoặc không hợp tác với các công ty quản lý kinh doanh nhà của thành phố.

Tệ hại ở chỗ, người dân vẫn đang ở trong ngôi nhà của mình bấy lâu nay, bỗng dưng một ngày chợt nhận ra rằng căn nhà của mình chẳng - thuộc - đâu - cả. Người dân có muốn nộp tiền thuế sử dụng đất cũng chẳng biết nộp cho ai, chẳng có ai thu. Trên thực tế con số này không hề nhỏ, thống kê được tới khoảng 12 nghìn nhà đất trên địa bàn TP Hà Nội đang nằm trong tình trạng không thuộc bất cứ cơ quan nào quản lý. Lại có trường hợp người sử dụng nhà, đất do các cơ quan tự quản đã tự ý cơi nới, lấn chiếm, nên không muốn làm hồ sơ vì sợ sẽ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, đành chấp nhận ở như vậy khiến cho công tác bán nhà khó mà kết thúc.

Cũng không phải không có trường hợp nhiều hộ gia đình có nguyện vọng mua nhà, nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chưa có điều kiện mua nhà (đã mời lên ký hợp đồng mua bán nhưng không đến), hoặc ký hợp đồng rồi nhưng chưa nộp tiền; một số hộ muốn mua nhà nhưng vướng quy hoạch, nhà đang có tranh chấp, khiếu kiện, nhà ở khu phố cổ nên chưa được mua... Đây cũng là một trong những vướng mắc mà sắp tới Hà Nội cần có cơ chế chính sách cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình cũng như giải quyết dứt điểm chủ trương.

Một nguyên nhân nữa làm ảnh hưởng đến tiến độ bán nhà theo Nghị định 61/CP, theo vị đại diện lãnh đạo một sở chuyên môn, đó là tính tự giác thực hiện công việc của một số cán bộ thực thi vẫn chưa cao; tại một số nơi còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; đặc biệt là việc kiểm tra, đôn đốc, phối hợp xử lý giải quyết giữa các đơn vị liên quan còn nhiều hạn chế.

Được biết, trong số này có gần 7 nghìn căn hiện đang nằm trong diện không được bán và cấp giấy chứng nhận do các lý do như vướng quy hoạch, nhà có tranh chấp, khiếu kiện hoặc nằm trong danh mục nhà biệt thự, phố cổ không được bán theo nghị quyết của HĐND thành phố đã ban hành.

Rà soát

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để tìm hướng giải quyết. Bà Hà cũng chính là người đại diện của Công ty ký hợp đồng thuê nhà ở với các hộ dân trong khu tập thể 7B Trần Phú. Bà Hà cho biết, khu nhà 7B Trần Phú chỉ là một trong số nhiều trường hợp trên địa bàn nằm trong diện rà soát đợt này. Phía lãnh đạo thành phố cũng rất quan tâm vấn đề này và ý kiến chỉ đạo mới đây của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh chính là cụ thể hóa mối quan tâm ấy. Tuy nhiên, vì vấn đề các khu tập thể cũ cũng như những khu nhà có dính dáng đến biệt thự cũ là một vấn đề nhạy cảm, động chạm đến quyền và lợi ích đan xen nên phải làm thật kỹ.

Theo bà Hà, về quan điểm, các ngành chức năng của thành phố hoàn toàn nhất trí với chủ trương bảo tồn các công trình nhà biệt thự Pháp cổ có giá trị kiến trúc, lịch sử… Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp tuy là biệt thự cổ nhưng không mang các giá trị nêu trên, không nằm vị trí đắc địa, hoặc đã bị cơi nới, cải tạo mất hết cảnh quan như trường hợp biệt thự được cho là của Vua Bảo Đại (nằm đầu dốc Ngọc Hà - Chuyên đề ANTG đã từng nêu) thì nên xem xét tạo điều kiện cho người dân được mua để cải thiện điều kiện sống.

Ngoài ra, những trường hợp này thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết của HĐND nên các đơn vị chức năng của thành phố sẽ chỉ làm công tác rà soát, còn quyết định là của HĐND. Vì thế, song song với công tác rà soát của liên ngành chức năng, các hộ dân nằm trong các trường hợp cụ thể như trường hợp nhà 7B Trần Phú nên làm thêm đơn giải trình gửi đến các cơ quan chức năng của thành phố để củng cố thêm tài liệu, thêm cơ sở trình HĐND xem xét giải quyết dứt điểm.

DiaOcOnline.vn - Theo Công an Nhân dân