Môi giới BĐS: Hiện tại không ổn, tương lai thế nào?

Cập nhật 20/09/2013 11:50

Địa ốc vẫn chưa "cựa mình" thực sự, trong khi tương lai hồi phục của toàn thị trường còn quá mù mờ, ít nhất là hết năm 2014. Viễn cảnh nào sẽ dành cho nghề môi giới.

Địa ốc vẫn chưa "cựa mình" thực sự, trong khi tương lai hồi phục của toàn thị trường còn quá mù mờ, ít nhất là hết năm 2014. Viễn cảnh nào sẽ dành cho nghề môi giới.

Được coi như một nghề "hái ra tiền" trong quãng thời gian BĐS còn "sốt nóng", đến nay môi giới BĐS vẫn là nghề có thu nhập rất cao (dù không ổn định). Thị trường khó khăn, cũng là lúc những cá nhân, tổ chức môi giới buộc phải chuyển mình, biến hóa theo thời cuộc bằng các cách làm ăn khác nhau.

Đòi hỏi người... hoàn thiện

Thống kê chưa đầy đủ, năm 2012 có 40% nhà môi giới BĐS bỏ nghề, 20% theo nghề, số còn lại làm bán thời gian (kết hợp công việc khác). Tâm lý người mua nhà (khách hàng) đã gần như kỳ thị dân môi giới. Bất cứ ai có nhu cầu thực về BĐS, đều nghĩ ngay tới khoản chi phí mất cho môi giới liệu có "trôi sông bỏ biển", mà chưa nghĩ tới điểm lợi khi sử dụng môi giới. Thực tế thị trường đã cho thấy quá nhiều trường hợp người đi mua nhà "tiền mất tật mang" vì môi giới thiếu trách nhiệm, không có đạo đức nghề nghiệp. Nhất là những người ngoại tỉnh, khả năng gặp phải môi giới lừa đảo là rất cao.

Theo chị Nga, một môi giới lâu năm ở Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội), khách hàng không hiểu, thậm chí không chấp nhận nổi việc phải mất 1 tháng tiền thuê nhà gần chục triệu cho một người môi giới. Thế nhưng, xét ngược lại về mặt chi phí và cơ hội, chính các chủ nhà là người luôn tìm tới môi giới để "đẩy hàng" nhanh.


Môi giới BĐS cũng là nghề đỏi hỏi "tâm" và "tầm" trong bối cảnh thị trường khó khăn

Nói nghề môi giới BĐS đòi hỏi những tố chất hoàn thiện nhất của một con người là có cơ sở. Trong đó, yếu tố quyết định sự thành công bền vững là trình độ kỹ năng nghề. Đến lúc này, mới chỉ có trường Đại học Kinh tế Quốc dân có đào tạo chính quy ngành môi giới, những cơ sơ khác đào tạo chỉ cấp chứng chỉ hành nghề. Những môi giới sành sỏi ở "làng" môi giới (Trung Hòa, Hoàng Đạo Thúy, Lê Văn Lương, Nguyễn Thị Định, Trần Duy Hưng...) đều tâm đắc với câu: "Kỹ năng, kiến thức được hình thành trong quá trình làm việc là chính". Còn lại, đạo đức nghề nghiệp lại phụ thuộc chính ở đơn vị, công ty nơi người môi giới đang làm việc.

Tới lúc này, chưa có một nghiên cứu chính thức nào về khả năng "sống sót" của đội quân môi giới BĐS trong bối cảnh BĐS "đóng băng" kéo dài. Tuy nhiên, những chia sẻ của người trong nghề sẽ phản ánh đúng thực trạng. Anh Hoàng, một môi giới từng cộng tác lâu năm cho sàn Hải Phát, trước đó từng làm môi giới tự do, chia sẻ: mỗi ngày, trung bình một nhân viên môi giới gọi 200 cuộc điện thoại để chào hàng và bị từ chối khoảng 80% cuộc gọi. 20% còn lại với hai khả năng: khách quan tâm, nhưng chỉ hỏi giá; khách chỉ làm ra vẻ quan tâm, nhưng hỏi chi tiết thông tin (môi giới khác giả khách hàng).

Phụ thuộc "sức sống" BĐS

Cứ như vậy, trong 2-3 tháng, nếu môi giới không chốt được giao dịch nào thì tình thế đã trở nên rất nguy nan. Tâm lý chán chường, mất tự tin, bê trễ và nhăm nhe chuyển nghề là điều khó tránh. Thử thách tâm lý và sự kiên nhẫn chịu đựng (hay còn gọi là bản lĩnh đương đầu) dành cho môi giới chính là chỗ này.

Không thể phủ nhận, từ lâu nay môi giới BĐS vẫn được gọi bằng cái tên là "cò đất". Hiện tại, môi giới địa ốc đã được pháp luật công nhận là một nghề. Một vị Giám đốc sàn giao dịch BĐS ở Lê Đức Thọ (Hà Nội) còn "phán": nếu ai đó tham gia môi giới BĐS mà vẫn tự ti vì cái tên "cò đất" thì tốt nhất chuyển nghề, nếu còn theo đuổi, kết quả làm việc sẽ không thể hiệu quả.

Với những môi giới đã dày dặn kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và đủ phẩm chất đạo đức nghề, niềm tin vào sự hồi phục của thị trường trong thời gian tới càng trở nên quan trọng. Hơn hai năm nay, quá nhiều đơn vị kinh doanh, tạo lập BĐS đã phá sản, tinh giảm nhân sự, thậm chí hầu tòa vì đủ lý do. Ngay cả những sàn giao dịch tầm cỡ như CEN Group hay VicLand cũng chỉ còn vài chục nhân viên thường xuyên tới công ty làm việc.

Song song với đó, nhiều cá nhân môi giới tự tập trung thành nhóm (dưới 20 người), nằm dưới một pháp nhân đảm bảo tính pháp lý và hoạt động rất "khỏe", bất chấp khó khăn thị trường. Rõ ràng, không phải tự nhiên, mà môi giới BĐS luôn được coi là nghề nhiều thử thách, đòi hỏi vận dụng đủ mọi phẩm chất tích cực của con người.

Đương nhiên, cũng có gam "màu xám" trong bức tranh môi giới. Bên cạnh các nhà môi giới chân chính thì có các môi giới "ăn xổi": chuyên "chỉ trỏ", buôn nước bọt và kiếm tiền bất chấp rủi ro của khách hàng. Thậm chí có một số trường hợp còn câu kết để lừa khách hàng bằng cách cung cấp thông tin sai sự thật về giá, pháp lý BĐS đó. Ngoài ra, các kiến thức hỗ trợ cho nghề, như kiến thức phong thủy, đầu tư, văn hóa gia đình, văn hóa xã hội… cũng là điều không thể thiếu với những môi giới "sống chết với nghề" đúng nghĩa.

Thị trường khó khăn, cũng là cơ hội cho những ai có niềm tin, niềm đam mê, hiểu biết thực sự với BĐS. Sau cuộc "gạn đục khơi trong" của thị trường, những đối tượng không đủ khả năng (đạo đức lẫn chuyên môn) hoạt động trong nghề sẽ bị lọc bỏ. Người trụ lại qua "cơn bão" sẽ thành công.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh