“Mồi câu” nhà xã hội

Cập nhật 30/01/2014 12:41

Một số chủ đầu tư dùng nhà xã hội như “mồi câu” để giải quyết khó khăn cho loại BĐS cao cấp như biệt thự, liền kề hay căn hộ cao cấp.

Một số chủ đầu tư dùng nhà xã hội như “mồi câu” để giải quyết khó khăn cho loại BĐS cao cấp như biệt thự, liền kề hay căn hộ cao cấp.


Nhà ở xã hội và gói tín dụng 30.000 tỷ là hai vấn đề được nhắc tới nhiều nhất trên thị trường BĐS năm qua. Báo cáo tổng kết cuối năm của Bộ Xây dựng về kết quả thu được từ chủ trương phát triển nhà ở xã hội cho thấy, nguồn cung phân khúc này vẫn còn thiếu, tín dụng bơm vào thị trường còn hạn chế.

Tuy nhiên, nó lại trở thành điều quan tâm đặc biệt của người dân với nhiều chính sách ưu đãi được đưa ra, và được xem như là “mồi câu” cho thị trường BĐS như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói.

Theo kết quả phát triển nhà xã hội 2013 mà Bộ Xây dựng báo cáo, hiện cả nước có khoảng 124 dự án đang được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 78.700 căn hộ. Đây là một con số còn khá khiêm tốn đối với nhu cầu hiện nay.

Cũng theo con số mà Bộ Xây dựng công bố cả nước cần tới hơn 1 triệu căn hộ loại hình nhà ở này, trong đó riêng tại Tp.HCM là 130 nghìn căn và Hà Nội là khoảng 115 nghìn căn.

Trong khi đó, lượng căn hộ xã hội hiện có tại Hà Nội hiện cũng mới dừng lại ở con số 12.300 căn đang trong quá trình xây dựng, đến từ một số dự án nhà Đặng Xá 2, Cổ Nhuế, Tây Mỗ, SDU Sông Đà,...Tại Tp.HCM cũng mới đang phát triển 21.750 căn từ 25 dự án được chấp thuận đầu tư.

Để đẩy mạnh phát triển nhà xã hội, một số giải pháp được tính đến như cho phép chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, đã có khoảng trên 50 dự án đến này được chấp thuận. Tại Tp.HCM có 10 dự án, tại Hà Nội có 15 dự án từ 5500 căn nhà ở thương mại sang 10.600 căn nhà ở xã hội.

Tại Hà Nội, Bộ Xây dựng cũng vừa thành lập Tổ công tác liên ngành để thanh kiểm tra quỹ đất 20% để xây nhà xã hội tại các dự án khu nhà ở, với động thái này sẽ thúc đẩy việc tạo quỹ đất sạch để triển khai đầu tư các dự án, tăng thêm nguồn cung cho phân khúc này.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, bất động sản đến nay đã giảm giá đến ngưỡng người dân có thể chấp nhận được, còn giảm đến giá trị thực hay không thì chưa biết được. Trong năm qua, giá BĐS giảm trung bình khoảng từ 10% đến 30% tùy từng khu vực, thậm chí có dự án, có nơi giảm tới 50%.

“Giá BĐS ở mức này chấp nhận được thể hiện ở việc giao dịch đang tăng lên. Ở Hà Nội, quý 4 có tới 3000 giao dịch thành công, và gấp 6 lần giao dịch của quý 1. Càng về cuối năm giao dịch càng mạnh. Điều này không chỉ thể hiện ở phân khúc nhà xã hội có đến đâu bán hết đến đó, mà cả phân khúc trung bình, cao cấp cũng đã có giao dịch tốt trở lại, nhưng ở những năm trước thì không có được như vậy.” Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nhiều người lầm tưởng gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay nhà xã hội là để “giải cứu” thị trường BĐS, nhưng hoàn toàn không phải. Gói này đã được Bộ Xây dựng đề xuất từ trước khi Chiến lược phát triển nhà ở được phê duyệt.

Nếu thực hiện tốt gói này thì nó sẽ có phản ứng trung gian, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế,…một bộ phận người sẽ có thêm thu nhập để quay lại mua BĐS. Nói cách khác là gián tiếp thúc đẩy thị trường BĐS. Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận xét, việc nhà xã hội phát triển nhiều như hiện nay đã và đang góp phần bình ổn giá trên thị trường bất động sản, làm giảm đầu cơ trên thị trường trong thời gian qua.

Còn theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, điều này có tác dụng “một mũi tên, trúng hai đích”.Một số chủ đầu tư dùng nhà xã hội như “mồi câu” để giải quyết khó khăn cho loại BĐS cao cấp như biệt thự, liền kề hay căn hộ cao cấp. Khi thị trường ấm lên, người dân về ở các KĐT nhiều hơn, người mua nhà cao cấp theo đó cũng sẽ đến ở và giao dịch trở lại.

Với tầm quan trọng của việc phát triển nhà xã hội như vậy, ngay sau dịp nghỉ Tết, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp sẽ ban hành thông tư liên tịch cho phép người mua nhà được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai (thế chấp hợp đồng mua bán) để vay vốn trong gói 30.000 tỷ đồng, tăng thêm các ngân hàng cổ phần được tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số tổ chức như BIDV đang đề xuất giải pháp trong năm 2014 giảm lãi suất cho vay mua nhà trong gói 30 nghìn tỷ thêm 1-2%, cho phép người mua nhà thương mại có giá dưới 15tr/m2, diện tích dưới 70m2 được vay từ gói 30.000 tỷ,…để tăng tính thanh khoản cho thị trường, góp phần vào việc “phá băng” BĐS trong giai đoạn mới.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ