“Mổ xẻ” hiện tượng trồi, lún đường

Cập nhật 20/06/2013 14:47

Vấn đề trồi, lún mặt đường bê tông nhựa - một hiện tượng xảy ra khá phổ biến trên một số trục đường chính tại TP.HCM và cả nước - đã được “mổ xẻ” tại cuộc hội thảo sáng nay 20.6, nhằm tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Vấn đề trồi, lún mặt đường bê tông nhựa - một hiện tượng xảy ra khá phổ biến trên một số trục đường chính tại TP.HCM và cả nước - đã được “mổ xẻ” tại cuộc hội thảo sáng nay 20.6, nhằm tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Hội thảo do Hội cầu - đường - cảng TP.HCM phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải (GTVT) tổ chức.

Hiện tượng trồi, lún mặt đường trên tuyến đường Đồng Văn Cống (liên tỉnh lộ 25 B, Q.2, TP.HCM) - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tham luận của nhóm nghiên cứu gồm PGS.TS.Nguyễn Văn Hùng, TS.Nguyễn Việt Hưng (Trường đại học GTVT); Th.S Lâm Duy Tài, Công ty cổ phần An Sơn tập trung xoáy vào các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mặt đường bê tông nhựa bị trồi, lún.

Theo nhóm nghiên cứu này, trong thời gian gần đây, trên các tuyến đường quốc lộ, đường trục chính ở phía Bắc cũng như ở phía Nam, đặc biệt trên các tuyến đường phía đông TP.HCM nơi cửa ngõ của thành phố đi các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... đã có sự gia tăng rất lớn lưu lượng của các xe tải trọng nặng. Điều này dẫn đến tình trạng mặt đường nhanh chóng xuống cấp, bị hư hỏng như nứt, lún vệt bánh xe, trồi nhựa...

Trong khi thực tế công tác thiết kế áo đường hiện nay chỉ chú trọng vào tính toán các chỉ tiêu về cường độ theo tiêu chuẩn 22 TCN 211-06 mà chưa chú ý đến mặt cấu tạo của kết cấu áo đường (mác của nhựa, các loại vật liệu sử dụng làm lớp mặt, lớp móng); độ bền mỏi, độ bền lún vệt bánh xe; đặc điểm khí hậu tuyến đường khai thác, ảnh hưởng động của xe tải nặng... dẫn đến tuổi thọ kết cấu áo đường không cao, đường mới đưa vào khai thác đã nhanh chóng xuống cấp.

Tại các nút giao thông, ngoài chịu tác dụng của lực thẳng đứng, mặt đường còn chịu tác dụng của lực ngang. Lực ngang này đạt trị số lớn nhất khi hãm phanh đột ngột. Tiêu chuẩn của Việt Nam đã có quy định về thiết kế áo đường tại các nút giao thông nhưng trong thực tế, điều này thường không được chú ý, nên kết cấu áo đường tại các nút giao nhau không có sự khác biệt so với kết cấu áo đường chung của toàn tuyến. Chính vì vậy, các hư hỏng lún, trồi nhựa thường xuất hiện phổ biến tại các nút giao.

Các nhóm nghiên cứu còn đề xuất nhiều giải pháp khắc phục, trong đó giải pháp chính là kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công nền, móng, mặt đường. Bên cạnh đó, cần phải khảo sát dòng xe và dự báo lưu lượng xe có đủ độ tin cậy, nhất là với tuyến đường có lưu lượng và tải trọng xe lớn, để thiết kế kết cấu mặt đường phù hợp, đồng thời sử dụng các loại vật liệu có tính năng cao cho đường có xe tải nặng.

Song song đó cần kiểm soát, chế tài nghiêm đối với xe chở quá tải. “Phải nhìn nhận một thực trạng rất đáng quan ngại hiện nay là vấn đề xe quá tải, và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hỏng mặt đường", một chuyên gia của Hội cầu - đường - cảng TP.HCM nhìn nhận.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên