Nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về những rào cản trong điều kiện thực tế ở nước ta về lãi suất, trượt giá tiền...
>>Ngân hàng tiết kiệm nhà ở: Hiện thực đến đâu?
>>Tiết kiệm nhà ở: Ngân hàng lớn nhất của Đức sẽ vào Việt Nam?
>>Tiết kiệm nhà ở giúp dân “tránh ỷ lại Nhà nước”
Mô hình tiết kiệm nhà ở của Cộng hòa liên bang Đức vừa được giới thiệu tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Mô hình này cũng đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu để đưa vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Mô hình này có thể góp phần vào việc phát triển nhà ở để giải quyết nhu cầu của người dân, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về những rào cản trong điều kiện thực tế ở nước ta.
Biến động lãi suất – rào cản
Mô hình tiết kiệm nhà ở được thực hiện ở Cộng hòa Liên bang Đức cách đây gần 100 năm và đã triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, ngân hàng tiết kiệm sẽ huy động nguồn vốn nhàn rỗi của người dân để cho người có nhu cầu mua nhà vay tiền với lãi suất thấp, ổn định trong thời gian dài.
Các ngân hàng thương mại thường không cho người dân vay dài hạn với một mức lãi suất không chỉ thấp mà còn cố định (Ảnh: Xuân Thân/VOV online) |
Các gia đình ở Đức hằng tháng đều gửi tiền tiết kiệm nhà ở cho con. Khoảng 15-20 năm sau, người con lớn lên, có thu nhập, cộng với tiền bố mẹ gửi cho từ bé đã được 1/3 đến 1/2 giá trị ngôi nhà, lại được Ngân hàng tiết kiệm cho vay thêm sẽ đủ tiền để có được ngôi nhà cho riêng mình.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Qua khảo sát các mô hình ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Cộng hòa liên bang Đức và Séc, thì thấy mô hình này rất có hiệu quả, một mặt tạo ra được dòng vốn lâu dài và ổn định cho việc phát triển nhà ở, đồng thời tạo ra 1 kênh để khuyến khích người dân tiết kiệm tiền và chủ động tích cực tham gia tiết kiệm nhà ở cho bản thân và gia đình”.
Tuy nhiên, sự biến động về lãi suất là rào cản đối với việc thực hiện mô hình này ở nước ta. Ở Đức, người gửi tiền tiết kiệm sẽ được các ngân hàng thương mại cho vay dài hạn mua nhà với mức lãi suất thấp chỉ khoảng 3%. Nếu áp dụng ở Việt Nam, lãi suất chắc chắn sẽ cao hơn, thậm chí sẽ cao hơn mức 6% của gói 30.000 tỷ đồng.
Hiện Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 1%. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại thường không cho người dân vay dài hạn với một mức lãi suất không chỉ thấp mà còn cố định.
Ông Nguyễn Danh Thiết, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á cho rằng: “Hiện nay, gần như các hệ thống ngân hàng thương mại đều có các sản phẩm dịch vụ phát triển nhà ở cho người Việt Nam. Các sản phẩm cũng được đưa ra từ 10 đến 15, 20 năm, nhưng thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu. Mô hình này cần có 1 luật chuyên biệt vì mảng kinh doanh này cốt lõi là vấn đề phải đảm bảo ổn định lãi suất và ổn định khả năng tài chính”.
Rủi ro về tiền mất giá
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích: một rào cản nữa của mô hình này là vấn đề rủi ro khi đồng tiền gửi của người dân sẽ bị mất giá trong suốt thời gian dài. Để gửi đủ số tiền tiết kiệm 50% giá trị căn nhà, nếu với mức thu nhập bình quân đầu người như hiện nay ở Việt Nam thì phải mất khoảng 10 - 20 năm. Khi đó, số tiền gửi tiết kiệm sẽ chỉ còn 2/3 thậm chí là một nửa giá trị, trong khi thị trường bất động sản lại biến động phức tạp.
Ông Phạm Sỹ Liêm băn khoăn: mô hình tiết kiệm nhà ở chưa giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp. Đây là cho tầng lớp trung bình chứ không phải là cho tầng lớp thu nhập thấp, bởi vì sẽ phải nộp gửi 1 khoản tiền hàng tháng rất lớn so với lương, cho nên người thu nhập thấp không làm nổi”.
Vì vậy, với điều kiện thực tế ở Việt Nam, để mô hình này thực hiện hiệu quả, giải quyết được nhu cầu về nhà ở bức thiết của người dân, cần nghiên cứu kỹ về những rào cản trong thực tế để áp dụng cho phù hợp.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV