Mô hình phù hợp cho đô thị Việt Nam?

Cập nhật 18/06/2009 15:50

Theo ông Serge Salat, năm 1900, hành tinh chúng ta mới chỉ có 160 triệu cư dân thành thị. Năm 1950, con số này là 1 tỷ người. Ngày nay, cứ mỗi một thập kỷ sẽ có 1 tỷ công dân đô thị mới...

Mỗi một thập kỷ sẽ có một tỷ công dân đô thị mới

Đây là vấn đề được ông Serge Salat, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Về Đô thị bền vững đề cập tại diễn đàn “Từ thành phố toàn cầu hóa đến sự suy thoái hệ sinh thái toàn cầu, lợi thế và nguy cơ đối với Việt Nam”.

Theo ông Serge Salat, năm 1900, hành tinh chúng ta mới chỉ có 160 triệu cư dân thành thị. Năm 1950, con số này là 1 tỷ người. Ngày nay, cứ mỗi một thập kỷ sẽ có 1 tỷ công dân đô thị mới. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng này kéo theo sự gia tăng nhanh chóng việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên để tiếp tục quá trình chuyển đổi và mở rộng đô thị. Việc khai thác nguồn tài nguyên này ngày càng ồ ạt do các TP không ngừng mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Nếu không sớm có cơ chế điều chỉnh hợp lý của các chính phủ thì quá trình mở rộng không thể kiểm soát này cũng như hiện tượng toàn cầu hóa việc khai thác tài nguyên nuôi TP lớn sẽ dẫn đến sự suy thoái hệ sinh thái toàn cầu mà thay đổi khí hậu chỉ là dấu hiệu đầu tiên.

Ông Serge Salat cho rằng Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi đô thị nhưng đã gặp phải những nguy cơ phá hủy sinh thái và xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể xây dựng một nền văn minh đô thị trong đó lịch sử, khí hậu và những lối sống Việt cơ bản được tôn trọng.

Lý thuyết nhiều mâu thuẫn

Trong bài diễn thuyết của mình, ông Serge Salat nhận định: Mô hình phát triển đô thị của Việt Nam đang có xu hướng phát triển như của Mỹ. Trong một đô thị xen kẽ cả khu ở cao tầng và thấp tầng. Điều này dẫn đến việc lãng phí tài nguyên đất đai.

Ông Serge Salat đặc biệt ủng hộ mô hình đô thị như Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore... nơi tập trung các công trình cao tầng, tập trung đông dân cư. Và chính vì mật độ dân cư cao nên năng lượng sử dụng thấp đi và ô nhiễm cũng giảm đi. Ông Serge Salat giải thích: Sống, làm việc trong những toà nhà này, người ta sẽ di chuyển theo chiều dọc nhiều hơn chiều ngang. Tức là người ta không sử dụng nhiều phương tiện giao thông cá nhân, không sử dụng quá nhiều năng lượng cho việc di chuyển và như thế không thải ra nhiều khí thải độc hại như cácbonníc...

Bàn về phát triển bền vững, ông Serge Salat tỏ ra đồng tình với mô hình của Cần Thơ hiện nay: Các công trình bám dọc kênh rạch vùng ĐBSCL. Theo ông Serge Salat, đô thị Cần Thơ nên phát triển giao thông trên kênh rạch vì di chuyển mặt nước sử dụng ít năng lượng hơn so với đường bộ. Nhưng để phát triển tốt giao thông thuỷ thì cần phải duy trì một lượng nước vừa đủ trong mùa khô. Các công trình cần được nghiên cứu xây dựng vừa phải so với mặt nước.

Sau cùng, ông đưa ra lời khuyên, Việt Nam không nên bắt chước cứng nhắc mô hình đô thị của nước nào mà cần nghiên cứu phát triển đô thị phù hợp với môi trường và địa lý. Sẽ là đáng tiếc nếu Việt Nam để đô thị hoá ồ ạt. Trong quá trình đô thị hoá, nhiều đất nông nghiệp sẽ chuyển đổi thành đất công nghiệp và đô thị để phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Nhưng nếu để mất quá nhiều đất nông nghiệp thì sẽ dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực. Và như vậy, sự phát triển trở nên thiếu bền vững.

Đến đây, dường như các vấn đề ông Serge Salat đề cập có sự mâu thuẫn. Đặc trưng Hà Nội là mặt nước và cây xanh. Nhưng nếu phát triển tập trung với mật độ dân cư cao, với các toà nhà chọc trời thì những đặc trưng trên sẽ không còn. Hà Nội sẽ chật chội, bức bách và công nghiệp chẳng khác Thượng Hải, Hồng Kông. Hà Nội sẽ không còn là Hà Nội.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng