Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy huy động vốn, và tiết kiệm xây nhà ở. Nhà nước đã đưa ra các quy định, những cơ chế hoạt động để đảm bảo sự an toàn nhất định cho hệ thống này.
Ông Christian Oestreich, Tổng giám đốc thị trường nước ngoài của Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwabisch Hall AG
|
*
Thưa ông, vai trò của ngân hàng tiết kiệm nhà ở có ý nghĩa như thế nào đối với người dân Đức?
Sở hữu một ngôi nhà, căn hộ riêng với đa số là sự đầu tư lớn nhất. Do đó, làm sao phải bảo đảm mua nhà nhưng không bị rủi ro lớn về tài chính. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, vốn tự có để mua nhà là một phần rất quan trọng. Ngoài ra, ngân hàng tiết kiệm nhà ở (TKNO) cũng đóng vai trò hết sức cần thiết.
Cho đến nay, mô hình ngân hàng TKNO đã xuất hiện và hoạt động ở nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo và một số nước châu Âu khác. Vai trò của ngân hàng TKNO là giúp cho người dân tiết kiệm được vốn tự có để mua nhà. Một điểm đặc thù của mô hình này là số tiền người dân gửi sẽ được nhân đôi và phần đó được coi là phần người dân được vay để mua nhà.
Lãi suất vay cố định trong suốt thời gian dài. Vì vậy, người dân có thể tiết kiệm được tiền và có kinh phí để mua nhà, bảo đảm cho sự ổn định của thị trường nhà ở.
*
Để huy động được vốn cần định chế tài chính. Vậy ngân hàng TKNO có gì khác với các ngân hàng khác?
Ngân hàng TKNO cũng phải tuân thủ các quy định như các ngân hàng khác. Tuy nhiên, đây là loại hình ngân hàng đặc biệt, nên có những quy định dành riêng. Các quy định đặc thù về tài chính đối với ngân hàng TKNO là nhằm mục đích chính bảo vệ người tham gia. Bởi ở đây đa phần là những người có thu nhập trung bình, thậm chí thấp, nên hoạt động phải làm sao bảo đảm, bảo toàn vốn của họ. Ví dụ năm 2008 - 2009, châu Âu có khủng hoảng về tài chính và thời điểm đó rất nhiều người dân mang tiền gửi vào ngân hàng TKNO, vì họ biết chắc chắn rằng nếu gửi tiền vào đây thì bảo toàn được đồng vốn của họ…
*
Ông đánh giá như thế nào về vai trò quản lý Nhà nước đối với ngân hàng TKNO?
Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra những quy định pháp lý một cách ổn định, ứng với ngân hàng TKNO. Ngoài ra, Nhà nước cũng góp phần thúc đẩy, thu hút các nguồn tiết kiệm của người dân để họ có thể đủ tiền mua nhà. Theo cách, Nhà nước hỗ trợ cho những người tiết kiệm mua nhà.
Thực ra, chúng ta cũng không nên coi đây là những quà tặng của Nhà nước, Chính phủ. Khi có những cơ chế, chính sách khuyến khích người dân mua nhà của Nhà nước và Chính phủ sẽ giúp thị trường nhà ở phát triển năng động. Như vậy, Nhà nước sẽ thu được nhiều thuế hơn và tất cả những khoản tiền đó sẽ quay trở lại với ngân sách Nhà nước.
Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam cần soạn thảo và ban hành những quy định về ngân hàng TKNO. Khi tiền tiết kiệm của người dân chỉ được dùng để mua nhà, qua đó sẽ bảo đảm được sự ổn định của hệ thống và bảo tồn được các nguồn vốn. Người mua nhà muốn và cần một sự ổn định, biết được mức lãi suất là bao nhiêu. Ở đây, Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy huy động vốn, và tiết kiệm xây nhà ở. Thông qua đó, người dân sẽ tin tưởng hơn vào những cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, vì Nhà nước có khoản kinh phí để hỗ trợ người dân khi họ tiết kiệm xây nhà ở.
*
Có rủi ro khi áp dụng mô hình ngân hàng TKNO?
Không có rủi ro vì Nhà nước đã đưa ra các quy định, những cơ chế hoạt động để đảm bảo sự an toàn nhất định cho hệ thống này. Từ trước đến nay, chưa có một ngân hàng TKNO bị mất khả năng chi trả, chưa bị thất thoát một đồng vốn nào. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngân hàng TKNO đã có hoạt động hơn 100 năm nay và hoạt động rất bền vững.
Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng