Mô hình kiến trúc sư trưởng vẫn là vấn đề còn có những ý kiến trái ngược khi Quốc hội thảo luận về dự án luật quy hoạch đô thị, chiều 30/5.
Mô hình kiến trúc sư trưởng vẫn là vấn đề còn có những ý kiến trái ngược khi Quốc hội thảo luận về dự án luật quy hoạch đô thị, chiều 30/5.
Mặc dù, trước đó, cơ quan soạn thảo đã rất kỳ công lấy ý kiến đóng góp, tổ chức hội thảo và có hẳn một báo cáo riêng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khẳng định sự "rất cần thiết" của vị "nhạc trưởng trong bản nhạc kiến trúc đô thị" này.
Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn đề nghị không nên quy định có chức danh kiến trúc sư trưởng vì cơ chế quản lý đầu tư, xây dựng hiện nay rất khó cho việc thực hiện vai trò của kiến trúc sư trưởng. Việc tham mưu, giúp ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương vẫn nên giao cho cơ quan chuyên môn (sở xây dựng hoặc sở quy hoạch kiến trúc);
Cân nhắc cả hai loại ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, chỉ nên quy định trong luật theo hướng được thành lập theo quy định của Chính phủ phù hợp với yêu cầu quản lý, phát triển đô thị của các địa phương. Vì hội đồng kiến trúc quy hoạch và kiến trúc sư trưởng không phải là những thiết chế thuộc hệ thống bộ máy hành chính Nhà nước.
Và, thay vì quy định khá chi tiết về chức năng, nhiệm vụ như trước, điều 16 dự thảo luật lần này chỉ quy định rất chung chung “Hội đồng kiến trúc quy hoạch và kiến trúc sư trưởng có chức năng tư vấn, tham mưu được thành lập theo quy định của Chính phủ phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển của từng địa phương trong từng thời kỳ”.
Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) đặt hàng loạt câu hỏi: theo dự thảo luật hội đồng kiến trúc quy hoạch và kiến trúc sư trưởng tư vấn, tham mưu cho ai? Cho giám đốc sở xây dựng hay chủ tịch ủy ban nhân dân?
Ở các địa phương cũng như các đô thị, ngoài hội đồng kiến trúc quy hoạch và kiến trúc sư trưởng, còn có các sở chuyên ngành cũng có chức năng tham mưu cho chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh. Như vậy cùng một lúc có 3 cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tham mưu cho chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh về một vấn đề, liệu như vậy chủ tịch sẽ nghe ai và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về vấn đề đã tham mưu?
Theo bà Hà, giao cho Chính phủ quy định sau khi luật được thông qua là chưa thật sự thỏa đáng và gây ra những lo ngại đối với đại biểu Quốc hội.
Sau gần 10 năm thí điểm mô hình kiến trúc sư trưởng đã không thành công ở Hà Nội và Tp.HCM là lý do để đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) không nhất trí với quy định của dự thảo luật. “Theo tôi chỉ nên lựa chọn mô hình hội đồng kiến trúc quy hoạch”, bà Hà đề nghị.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Phương Thảo (Tp.HCM) và một số đai biểu khác lại nhất trí với quy định của dự luật. Lý do là hiện nay chúng ta còn cần kiến trúc sư trưởng vì quy hoạch chưa ổn định. Quan trọng là chọn kiến trúc sư trưởng đủ năng lực, đủ trình độ, tiếng nói đủ sức nặng, bà Thảo nói.
Nhất định phải giữ kiến trúc sư trưởng là ý kiến của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (Tp.HCM). Theo ông, nếu không có kiến trúc sư trưởng thì không giữ được đặc trưng của quy hoạch mà điểm này rất quan trọng. Vì đại biểu này cũng đề nghị bỏ sở quy hoạch và kiến trúc, tất cả quản lý Nhà nước giao về cho sở xây dựng.
Bên cạnh nội dung trên, thẩm quyền quy hoạch đô thị đặc biệt, phân loại đô thị, phân loại quy hoạch….cũng là những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên kết luận sẽ có phiếu gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về những ý kiến còn khác nhau trong quy định về kiến trúc sư trưởng và thẩm quyền quy hoạch đô thị đặc biêt. Trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, chuẩn bị báo cáo giải trình, tiếp thu và hoàn chỉnh dự án luật.
Dự án Luật Quy hoạch đô thị sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy