“Mở cửa” cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: Cứu cánh cho thị trường bất động sản?

Cập nhật 17/10/2013 08:32

Trong tình hình thị trường bất động sản (BĐS) đang bế tắc đầu ra, nhiều dự án “chôn chân” tại chỗ do không tìm được khách hàng đầu tư thì phân khúc khách hàng người nước ngoài (NNN) được xét đến như một “cứu cánh” để giải quyết vấn đề hàng tồn kho. Mới đây, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, trong đó bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03/06/2008 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.

Trong tình hình thị trường bất động sản (BĐS) đang bế tắc đầu ra, nhiều dự án “chôn chân” tại chỗ do không tìm được khách hàng đầu tư thì phân khúc khách hàng người nước ngoài (NNN) được xét đến như một “cứu cánh” để giải quyết vấn đề hàng tồn kho. Mới đây, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, trong đó bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03/06/2008 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.

Các sửa đổi và bổ sung của Bộ Xây dựng thể hiện quan điểm khá “thông thoáng” với đối tượng khách hàng NNN. Theo đó, ngoài 5 đối tượng được phép mua nhà theo Nghị quyết số 19/2008/QH12 thì vẫn còn nhiều đối tượng NNN khác có nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam như: NNN đang học tập, nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục tư nhân, NNN làm việc tại các doanh nghiệp nhưng không giữ chức danh quản lý hoặc NNN làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam… Do đó, dự thảo nghị quyết thay thế của Bộ Xây dựng đã mở rộng đối tượng mua và sở hữu nhà tại Việt Nam bao gồm cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng vào việc mở rộng khách hàng NNN.

Tuy chỉ mới là dự thảo Nghị quyết sửa đổi nhưng cũng “vấp” phải khá nhiều ý kiến từ các đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều cho rằng đối tượng được mua nhà mà Bộ Xây dựng đề cập là quá rộng. Các ý kiến cho rằng nên thắt chặt hơn về thời gian lưu trú của NNN tại Việt Nam trong điều kiện mua nhà, ví dụ như visa nhập cảnh phải có thời gian giới hạn thấp nhất từ là bao nhiêu tháng ? Hơn nữa, theo đại diện của Bộ Ngoại giao, các nội dung của dự thảo cần bám sát tinh thần của Nghị quyết 103/NQ-CP mới ban hành, theo đó “cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dự án tại Việt Nam được mua chung cư, nhà ở tại Việt Nam phù hợp với thời hạn dự án tại Việt Nam”.

Bộ Xây dựng có áp lực của mình khi hàng tồn kho luôn trong tình trạng báo động, do đó những nội dung dự thảo Nghị quyết cũng “thoáng” hơn. Trong khi các Bộ, ban ngành khác cũng có những quan điểm về chính sách phù hợp với ban ngành của mình, phù hợp với xã hội và quan điểm chung vẫn là thận trọng với những nội dung trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi của Bộ Xây dựng đưa ra.

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, nếu chính sách mua nhà cho người nước ngoài được nới rộng thì giải pháp tuy tích cực nhưng cũng không tạo ra được làn sóng mới để thay đổi sự ảm đạm hiện nay trên thị trường BĐS. Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liên - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, nếu các đề xuất của Bộ Xây dựng được thông qua thì đây cũng không thể coi là “lối thoát” để giải quyết tình trạng hàng tồn kho “chất cao như núi.

DiaOcOnline.vn - Theo Công Luận