“Nhiều người dân muốn biết giấy nhà đất mới có màu hồng, màu đỏ hay màu gì. Tôi cho rằng màu gì không quan trọng, quan trọng nhất là nội dung bên trong”...
“Nhiều người dân muốn biết giấy nhà đất mới có màu hồng, màu đỏ hay màu gì. Tôi cho rằng màu gì không quan trọng, quan trọng nhất là nội dung bên trong”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã nói như vậy trong buổi giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp cả nước vừa được tổ chức.
Hơn 1.400 câu hỏi và ý kiến đóng góp đều liên quan đến đất đai, đủ thấy vấn đề này bức xúc và “nóng bỏng” đến mức nào. Ông Bộ trưởng hứa hẹn, những câu hỏi chưa được giải đáp trong cuộc giao lưu, Bộ và 63 tỉnh, thành sẽ nhanh chóng trả lời trong thời gian sớm nhất.
Về phía dân và doanh nghiệp, người ta quan tâm nhất là, sau khi Luật Đất đai và Luật Nhà ở sẽ được sửa đổi trong thời gian tới, hàng loạt vấn đề rắc rối, phức tạp về nhà, đất sẽ được tháo gỡ như thế nào?
Mặc dù ông Bộ trưởng đã khẳng định: “Quyền lợi của người dân bị thu hồi đất tới đây sẽ được đảm bảo hơn. Họ không phải trả tiền thêm cho chỗ ở mới, sẽ có nhiều loại nhà và diện tích đất bồi thường để phù hợp với từng hộ dân”, tuy nhiên nhiều người lo ngại nhà tái định cư cho dân bị thu hồi đất chất lượng yếu kém đến mức thảm hại.
Hơn thế, họ còn phải trả thêm tiền cho nơi ở mới không hơn gì nơi ở cũ. Vậy thì những quy định mới về bồi thường, tái định cư sắp tới có “dễ thở” hơn không? Bấy lâu nay việc tái định cư được triển khai theo kiểu có quyết định thu hồi đất rồi mới lo nơi ở cho dân. Tái định cư, theo cách ví dân gian, chẳng khác nào “tái giá”.
Nhiều nơi người dân còn phải bỏ tiền ra gấp 4-5 lần số tiền được đền bù để nhận nhà, đất tái định cư. Thật phi lý hết chỗ nói. Nhưng quy định mới về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sắp được ban hành không nên coi là hợp đạo lý mà là hợp pháp lý. Người dân đã chấp nhận rời bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” vào khu tái định cư, đương nhiên họ không phải nộp thêm một đồng nào tiền nhà, tiền đất mà còn có thể được Nhà nước hỗ trợ tiền.
Để thực hiện điều hợp lý, hợp tình này, rất cần có nhiều cơ chế cho nhiều loại nhà, nhiều diện tích đất khác nhau để phù hợp với túi tiền của người dân, và phù hợp với điều kiện của từng địa phương, địa bàn. Đơn cử, người ta chỉ có nhu cầu ở nhà 50m2, chẳng có lý gì bắt họ ở nhà rộng tới cả 100m2 rồi phải đóng thêm nhiều tiền. Thực tế hiện nay, giá đất làm căn cứ để bồi thường thấp hơn giá thị trường rất nhiều.
Thiệt thòi cho người bị thu hồi đất sẽ được bù đắp như thế nào? Một quan điểm, một cách nhìn thông thoáng là tăng mức hỗ trợ cho người dân bị “mất” đất. Chẳng hạn, với người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, ngoài tiền đền bù, họ còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm quy ra đất ở, nhà ở đối với các địa phương có quỹ đất hoặc hỗ trợ bằng tiền. Điểm mới đáng quan tâm là Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ đào tạo nghề chứ không phó mặc và khoán trắng cho doanh nghiệp sử dụng đất thu hồi.
Quốc hội đã quyết định chỉ có một loại giấy có cả nhà và đất. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng thiết kế mẫu giấy mới. Giấy mới giống như một quyển sổ, trong đó ghi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất như nhà ở, nhà công sở, công trình xây dựng, rừng trồng...
Tóm lại, giấy mới màu hồng, màu đỏ hay bất cứ màu gì chẳng có ý nghĩa gì. Muốn giải quyết tận “gốc đất” trong quản lý và sử dụng đất đai hiện nay thì phải sửa luật. Dự kiến, Luật Đất đai sẽ sửa đổi 8 vấn đề lớn, cuối năm 2009 mới trình Quốc hội và mãi tới cuối năm 2010 mới có hiệu lực. Từ nay tới đó còn dài, chưa thể thay đổi màu giấy, nhưng phải sửa đổi ngay nhiều quy định đã lỗi thời trước đòi hỏi của cuộc sống.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô