Mặt bằng thuê chung

Cập nhật 02/09/2009 08:30

Hiện tượng hai, ba chủ cửa hàng cùng thuê một mặt bằng để kinh doanh đang là một giải pháp giảm chi phí. Đây không chỉ là cách các chủ kinh doanh tiết kiệm chi phí...

Mặt bằng 4C Lê Lợi được chia ra vừa kinh doanh thu đổi ngoại tệ vừa bán hàng thủ công mỹ nghệ. Ảnh: H.T

Hiện tượng hai, ba chủ cửa hàng cùng thuê một mặt bằng để kinh doanh đang là một giải pháp giảm chi phí. Đây không chỉ là cách các chủ kinh doanh tiết kiệm chi phí, mà còn là cách kinh doanh dựa vào nhau để kéo khách đến đông hơn.

Lợi thì có lợi

Bà Phương Thảo, chủ cửa hàng thời trang ở quận 5 thuê mặt tiền ngôi nhà phía sau chợ An Đông làm điểm tư vấn thời trang và may đo cho khách. Do khách của bà chủ yếu là trung niên, chỉ đến vào những giờ nhất định nên bà đồng ý cho người quen đặt tủ bán trang sức kết bằng tay ở ngay mặt tiền. Sau đó, thấy không cần thiết phải để bàn máy may ở phía trước, bà cho một người khác trưng bày sào quần áo trẻ em dọc theo chiều dài căn phòng. Bà nói: “Giá thuê nhà 16 triệu đồng/tháng, cho thuê lại để đặt tủ trang sức tôi giảm chi phí được ba triệu/tháng, cho thuê bán quần áo trẻ em tiết kiệm thêm bốn triệu/tháng. Nhưng cái lợi mà tui thấy rõ hơn là tiệm lúc nào cũng tấp nập”. Ngoài chuyện tạo không khí đông vui, dễ mua bán, theo bà Thảo, các bà mẹ đến may quần áo, tiện thể đặt mua trang sức kết bằng tay cho hợp với bộ đồ, rồi thấy quần áo trẻ em đẹp lại mua luôn. “Chưa kể khách mua quần áo trẻ em hầu hết là phụ nữ, thấy có may đo lại đặt hàng” – bà Thảo nói.

Cùng chung đối tượng khách hàng nên nhiều chủ kinh doanh có thể tìm tiếng nói chung. Phổ biến và thường gặp ở khu vực có khách tây, khách du lịch qua lại nhiều ở các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi… là điểm thu đổi ngoại tệ mở cùng với cửa hàng bán hàng lưu niệm, hàng thời trang. Người quản lý của một điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Lê Lợi kể, chấp nhận trả tới 70% phí mặt bằng dù chiếm 20% diện tích của cửa hàng. Vị này lý giải: “Do chiếm toàn bộ mặt tiền phía trước, hàng thủ công mỹ nghệ chấp nhận lùi ra phía sau. Nếu đứng một mình thì quầy thu đổi ngoại tệ nằm gọn lỏn một góc, cả mặt bằng còn lại bỏ trống, gặp ngày khách ra vào ít thì sẽ rất vắng. Mà tâm lý khách đổi ngoại tệ thấy vắng sẽ ngại không vào, họ tìm đến chỗ nào đông khách vì nghĩ nơi đó sẽ có tỷ giá tốt hơn”.

Bà Khánh Ngọc, chủ tiệm cắt uốn tóc trên đường Cách Máng Tháng 8 vừa cho một hãng dầu gội thuê đặt hai tủ mỹ phẩm ở ngay mặt trước tiệm. Bà nói: “Họ thì cần chỗ để quảng bá, khuếch trương hàng hoá, mình thì cần tiền để bù đắp cho chi phí mặt bằng quá cao. Dầu gội lại hợp với cửa tiệm mình, có thêm tủ của hãng, khách lại càng tin tưởng mình sử dụng hàng nổi tiếng…”

Nhưng khó khăn cũng nhiều

Chung thuê mặt bằng, vì có “lợi” họ đến với nhau, nhưng khi vào cuộc mới thấy tưởng dễ mà khó. Bà Phương Thảo kể: “Tới tháng tính tiền điện, tiền nước trả cho chủ nhà mới tá hoả: chi phí mặt bằng tui phải trả giảm được khoảng 40%, nhưng chi phí khác tăng gấp ba lần. Chi phí ngoài tiền mặt bằng, chính bà Thảo cũng thừa nhận: “Chia như thế nào cho đúng khó lắm. Vì nhân viên của tui có 5 – 7 người, họ chỉ có một người bán trang sức và một người bán quần áo, bắt mỗi người chịu 30% phí điện, nước thì không hợp lý, mà nếu chịu 10% cũng không đúng. Nên tui chọn cách thu mỗi người 100.000đ/tháng cho cả hai khoản điện nước”.

Trong một số trường hợp khác, cái khó xảy đến đôi khi không nằm trong chủ ý của người kinh doanh, nhưng làm người cùng thuê mặt bằng khó xử. Như khách đến mua trang sức kết bằng tay dựng xe chắn ngay lối ra vào cả giờ đồng hồ, làm khách đến may đo không có chỗ để xe. Hoặc có nơi, do nhiều chuột cắn phá đồ đạc, người thuê có hàng bày trong tủ kính kiên quyết không chia chi phí diệt chuột với người có hàng bày bên ngoài vì họ không bị thiệt hại…


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị