Mặt bằng kinh doanh hiu hắt chờ người thuê

Cập nhật 11/03/2013 08:30

Sau con số hàng vạn doanh nghiệp giải thể, phá sản, thu hẹp sản xuất là thị trường mặt bằng cho thuê ngày càng u ám, èo uột, nhất là từ sau tết: nhiều nhà phố, cao ốc văn phòng sang trọng vắng bóng khách thuê...

Sau con số hàng vạn doanh nghiệp giải thể, phá sản, thu hẹp sản xuất là thị trường mặt bằng cho thuê ngày càng u ám, èo uột, nhất là từ sau tết: nhiều nhà phố, cao ốc văn phòng sang trọng vắng bóng khách thuê...

Hàng loạt căn nhà phố mặt tiền khu buôn bán sầm uất phải bỏ trống. Trong ảnh: một nhà cho thuê nguyên căn tại đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Đi qua các con phố từ các quận 2, 4, 7, Tân Bình cho đến các khu trung tâm như quận 1, 3 (TP.HCM) thấy đầy rẫy biển hiệu đầy màu sắc, đầy kích cỡ “cho thuê văn phòng”, “sang mặt bằng gấp”... Nhiều nơi treo biển cả nửa năm, thậm chí thông báo hạ giá, mà nhà cho thuê vẫn bỏ hoang.

“Thu quân” trả nhà
"Tình hình văn phòng trọn gói cho thuê và sàn hiện nay đang rơi vào cảnh khó khăn nhất từ trước đến nay. Nhiều phân khúc giá cho thuê đã giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước nhưng lượng khách thuê vẫn èo uột"

Bà TRẦN THỊ MỸ HẠNH
(trưởng bộ phận cho thuê văn phòng Công ty Fimexco)
 

Trưa 27-2, tại đường Cửu Long (P.2, Q.Tân Bình), chủ căn nhà bốn lầu kéo đến đòi phá khóa để lấy lại nhà khi Công ty cổ phần nền móng SL - khách thuê ở đây - đã không trả được tiền thuê nhà mấy tháng nay. Dù chưa hết hợp đồng nhưng chủ nhà cương quyết: “Các anh chị không trả nhà, tôi cho người đến phá khóa”... Là một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, suốt cả năm nay Công ty SL gần như không có việc làm.

Bà N.H. - đại diện công ty - kể: “Không có việc làm công ty tôi rơi vào khó khăn, không trả nổi tiền lương cho công nhân chứ chưa nói đến tiền nhà. Thời điểm làm ăn tốt chúng tôi có khoảng 300 lao động, nhưng nay rơi rụng chỉ còn 4-5 người ở lại văn phòng này cầm cự hoạt động”. Bà N.H. cho biết đành phải trả mặt bằng và chuyển nhân viên, sổ sách đến trụ sở chính của tổng công ty ở đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận)...

Tình trạng nhiều doanh nghiệp chỉ còn giữ cái tên và địa chỉ văn phòng để cầm cự hoạt động đang diễn ra khá phổ biến. Giám đốc một công ty xây dựng ở Q.Phú Nhuận cho biết hiện công ty ông chỉ còn bốn người để đối chiếu sổ sách công nợ. Còn số lao động thì công trường dừng rồi nên hợp đồng chấm dứt, nợ lương công nhân ước lên đến 2 tỉ đồng. “Mùa tết vừa rồi công ty chỉ có 60 triệu đồng để trả lương công nhật cho nhân viên nên không có tiền đóng cho công ty cho thuê văn phòng....” - vị này cho biết.

Dọc về hướng Cộng Hòa (Q.Tân Bình), nhiều mặt tiền đẹp cũng treo biển thuê nhưng ít khách hỏi. Bà Hương, chủ một mặt bằng trên đường Cộng Hòa đoạn P.13, Q.Tân Bình, than: “Khách hàng trả nhà khiến tôi lao đao vì hầu như các công ty đã ổn định văn phòng từ cuối năm rồi, giờ khách thuê ít đi khó cho thuê lắm”. Trước tết, một công ty TNHH phải trả lại mặt bằng cho bà Hương vì kinh doanh khó khăn mà tiền thuê mặt bằng 14 triệu đồng/tháng không kham nổi.

Không chỉ trong lĩnh vực thương mại, sản xuất mà hàng loạt mặt bằng của các nhà hàng, quán ăn uống, dịch vụ, thời trang cũng “sang mặt bằng gấp”. Tại tòa nhà mặt tiền ở đường Lê Văn Sỹ (Q.3), chủ nhà cho biết: “Toàn bộ diện tích mặt bằng 170m2, tầng trệt 17m2 có giá thuê mặt tiền 50 triệu đồng, còn giá thuê toàn bộ diện tích 80 triệu đồng nhưng treo biển từ trước tết đến nay mà chưa có khách thuê”. Trước đó, một siêu thị chuyên bán giày dép đã trả lại mặt bằng sau hai năm thuê kinh doanh.

Chủ nhà lao đao

Trung tâm thương mại cũng “ế”

Theo nghiên cứu của Savills VN, thị trường trung tâm thương mại có giá thuê bình quân tiếp tục giảm. Xu hướng giảm giá này do giá thuê thấp của các dự án mới. Ngoài ra các dự án cũ giảm giá nhằm lấp đầy các vị trí cho thuê còn trống. Một số lượng lớn khách hàng bán lẻ vẫn chưa bắt đầu mở cửa hàng kinh doanh tại các mặt bằng đã cam kết thuê trong các trung tâm thương mại.

Khảo sát tại các trung tâm thương mại ở TP.HCM, thực tế cho thấy khác với con số đẹp công bố tỉ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại, nhiều trung tâm thương mại cũng ế ẩm. Tại Trung tâm thương mại Crescent Mall (Q.7), nhân viên ở đây đưa ra khá nhiều lựa chọn khi chúng tôi muốn thuê mặt bằng, trong đó có những mặt bằng rộng mà khách thuê đã trả trước tết. Tương tự, tại nhiều trung tâm thương mại ở các quận 1, 11, Tân Bình... vẫn còn nhiều chỗ trống.

Chiều 2-3 tại phố cho thuê mặt bằng ở khu phố Mỹ Toàn 1, đường Nguyễn Văn Linh, P.Tân Phong, Q.7, thêm một khách thuê mặt bằng kinh doanh dọn đi. Những chiếc xe tải chở tài sản của công ty dần khuất xa, bỏ lại đằng sau những người nhặt rác lúi húi với đống giấy lộn bên dãy nhà trống hoác như một khu phố bỏ hoang.

Sau khi khách dọn đi, bà Nhung chủ nhà cho hay: “Khách của tôi là một công ty chuyên về nhà kính thuê mặt bằng này với giá 2.000 USD/tháng, họ đã trả lại mặt bằng để dọn về xưởng sản xuất ở Bình Dương. Tôi đang dự tính cho người sửa sang lại để mời thuê nhưng chắc phải hạ giá vì cạnh nhà tôi cả dãy dài những nhà khác giờ cũng chưa có khách thuê”.

Đúng như lời bà Nhung, chạy dài ở con đường này hướng về Phú Mỹ Hưng và ngược trở lại, hàng trăm mặt bằng cho thuê đóng cửa im ỉm.

Tại các con đường Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa, Phan Đăng Lưu, Lý Thường Kiệt... hàng loạt mặt bằng hai, ba mặt tiền vẫn bị bỏ hoang không khách thuê. Thậm chí các tuyến phố thương mại như Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh... những biển quảng cáo cho thuê, sang nhượng mặt bằng treo tràn lan ế ẩm ngày này qua ngày khác.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn - giám đốc Công ty bất động sản Văn Minh, đơn vị chuyên cung ứng dịch vụ cho thuê mặt bằng, văn phòng tại TP.HCM - rầu rĩ: “Giờ mặt bằng, văn phòng cho thuê rất nhiều nhưng rất khó cho thuê. Hiện tại công ty chúng tôi có 130 nhà mặt tiền, mặt bằng cho thuê kinh doanh và văn phòng tại Q.1, Q.3 nhưng suốt một năm qua quảng cáo rồi hạ giá tới 30% nhưng chỉ cho thuê được khoảng 20 căn!”.

Chị Hồ Uyên Phương, chủ một tòa nhà cho thuê văn phòng tại đường Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận), cho biết: “Có rất nhiều khách trả lại văn phòng trước hợp đồng do họ rơi vào cảnh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp quy mô để tiết kiệm chi phí”. Đảo qua những dãy văn phòng trống không như nhà hoang, chị Phương tiếc rẻ: “Đây là vị trí mà công ty chuyên về dịch vụ taxi X thuê làm văn phòng cách đây mấy tháng. Còn đây là vị trí của hai doanh nghiệp, một trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một trong lĩnh vực thép nhưng cả hai công ty này giờ đã giải thể...”.

Tại tòa nhà văn phòng VMG (96-98 Đào Duy Anh, Q.Phú Nhuận), chị Thủy - quản lý tòa nhà - cho biết tòa nhà còn trống hơn 300m2 nhưng đăng thông tin quảng cáo, treo biển từ năm ngoái tới nay vẫn chưa có khách thuê. “Phần lớn khách đến muốn thuê một diện tích nhỏ 30-50m2 để tiết kiệm chi phí, nhưng chúng tôi lại không thể chia nhỏ diện tích” - chị Thủy cho hay.

Kết quả nghiên cứu thị trường của Công ty Savills VN cho thấy hiện nay hoạt động của thị trường văn phòng cho thuê tiếp tục giảm cả về công suất và giá thuê. Trong quý 4-2012 tại Hà Nội công suất trung bình còn 76%, giảm ba điểm trong khi giá thuê trung bình là 435.000 đồng/m²/tháng, giảm 2%.

Tại TP.HCM, tình hình hoạt động của toàn thị trường yếu hơn cùng kỳ năm trước đó do các tòa nhà mới có công suất thuê thấp và giá thuê thấp nhằm thu hút khách thuê và tăng tính cạnh tranh với các dự án hiện tại trên thị trường. Tổng lượng tiêu thụ trong quý 4-2012 vào khoảng 13.300m2, giảm 56% so với quý trước và giảm 70% so với quý 4-2011.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ