14.000 m2 đất dành xây trụ sở làm việc nằm sát ngay bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) sẽ được trao cho một Cty cổ phần quản lý. Hàng trăm tỷ đồng tài sản...
14.000 m2 đất dành xây trụ sở làm việc nằm sát ngay bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) sẽ được trao cho một Cty cổ phần quản lý. Hàng trăm tỷ đồng tài sản trên đất có thể sẽ bị đập bỏ không thương tiếc.
Truyền thống - bỏ qua!
Năm 1893, người Pháp đã lắp đặt một tổ máy phát điện một chiều tại 69 Đinh Tiên Hoàng, đánh dấu mốc Hà Nội có điện. Sau khi Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ngày 21/12/1954, Bác Hồ đã về thăm nhà máy điện Bờ Hồ.
Tại nơi đây, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác về thăm, bức tượng Bác đã được trân trọng dựng lên. Ngày 21/12 hàng năm cũng là ngày truyền thống của ngành điện.
Tháng 8/2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế và quy chế thi tuyển thiết kế kiến trúc Trung tâm tài chính thương mại - Tập đoàn Điện lực. Ngày 24/8/2007, EVN gửi Cty Điện lực Hà Nội yêu cầu chuyển văn phòng làm việc tại số 69 Đinh Tiên Hoàng.
Để thêm phần long trọng, công văn của EVN nêu: “Dự án trung tâm tài chính và thương mại điện lực có một ý nghĩa rất quan trọng trong sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của đất nước và dân tộc”.
Nhưng theo kế hoạch nơi được coi là khởi thủy ngành điện với trăm năm ghi dấu thăng trầm, nơi đánh dấu ngày truyền thống ngành điện sẽ bị xóa bỏ để dựng lên những công trình hiện đại cao từ 4 đến 14 tầng vì mục đích thương mại.
Cả trăm tỷ đồng - Ném qua cửa sổ?
Không chỉ dấu ấn truyền thống ngành điện có nguy cơ bị xóa nhòa mà còn có nhiều công trình vừa được đầu tư cả trăm tỷ đồng cũng có thể bị đập tan không thương tiếc.
Công trình Trung tâm điều độ lưới điện Hà Nội là một ví dụ. Năm 2000, Hội đồng quản trị Tổng Cty Điện lực Việt Nam đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án với mức đầu tư là 136,2 tỷ đồng (cả xây lắp và thiết bị). Năm 2004, dự án này mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến nay, khi công trình 5 tầng chưa hết mùi sơn đã đứng trước nguy cơ bị đập bỏ.
Không chỉ vậy, tại khu vực của dự án Trung tâm tài chính và thương mại dự kiến xây dựng còn có rất nhiều công trình vừa được ngành điện lực đầu tư hàng chục tỷ đồng và mới đưa vào sử dụng nhưng chúng đều có thể bị phá dỡ nay mai.
Đặc biệt, việc phá bỏ trụ sở 3 đơn vị là EVN, Điện lực Hà Nội, và Cty Điện lực 1 buộc EVN phải thuê diện tích trên 20.000m2 trong vòng 36 tháng với giá gần 30 đô la/m2/tháng. Như vậy riêng tiền thuê trụ sở trong 3 năm đã ngốn khoản tiền khoảng 20 triệu đô la (320 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia kinh tế, việc đập bỏ công trình hàng trăm tỷ đồng để xây dựng công trình mới, rồi chi hàng trăm tỷ đồng thuê trụ sở là sự lãng phí quá lớn, đặc biệt là trong lúc ngành điện đang khao khát vốn đầu tư nguồn điện…
Hơn thế, việc làm đó còn thể hiện sự “ngẫu hứng” và thiếu chiến lược của EVN. Bởi lẽ, nếu như đã có kế hoạch xây dựng Trung tâm tài chính thương mại điện lực thì hẳn những người có trách nhiệm sẽ không phê duyệt dự án công trình trung tâm điều độ lưới điện Hà Nội và hàng loạt dự án khác trên khu đất này.
Hàng trăm tỷ đồng, số tiền đủ để giúp đỡ hàng chục ngàn người dân vùng lũ hay cải thiện đáng kể tình hình y tế, giáo dục cho biết bao vùng quê còn lầm than nghèo khổ lại bị “ném qua cửa sổ” dễ đến vậy?
Mảnh đất ngàn tỷ vào tay ai?
14.000 m2 đất sát nách Hồ Gươm giá trị rất lớn. Tuy nhiên, khi được gắn với một dự án cụ thể, người ta có thể định cho nó cái giá khiêm tốn - 1.500 tỷ đồng.
Theo dự thảo của EVN, việc quản lý khu đất ngàn rưỡi tỷ đồng này là một Cty cổ phần với tên viết tắt là EVN - Land Hanoi với vốn điều lệ dự kiến 800 tỷ đồng. Trong đó, EVN góp 80% vốn (640 tỷ đồng); Cty điện lực 1 góp 10% (80 tỷ đồng); Cty điện lực Hà Nội (80 tỷ đồng)...
Vì sao lại có chuyện lạ lùng, EVN chỉ đạo việc giao đất trụ sở 3 đơn vị để cho Cty Cổ phần quản lý? Xin lưu ý rằng, riêng Cty Điện lực Hà Nội đã có sổ đỏ cho trụ sở số 69 Đinh Tiên Hoàng với diện tích trên 8.000m2 nhưng khi vào Cty Cổ phần lại chỉ được “góp” 10%. Hơn nữa, sau khi bàn giao đất cho EVN thực hiện dự án, Điện lực Hà Nội không biết về đâu.
Trên 4.000 cán bộ công nhân Điện lực Hà Nội đang rất lo ngại rằng trụ sở của họ, một “di tích” của ngành điện trị giá ngàn tỷ đồng này rồi sẽ rơi vào tay người khác mà Cty Cổ phần kia chỉ là cầu nối?
Hiện dư luận cũng rất quan tâm đến dự án này nhìn từ góc độ kiến trúc. Trong lúc Hà Nội đang đối mặt với nạn ùn tắc giao thông và quá tải hạ tầng kỹ thuật tại khu vực Hoàn Kiếm thì việc kéo một đại công trình (các khối nhà cao từ 4 đến 14 tầng) về sát bờ hồ là một nghịch lý. Và với cách làm như vậy không biết đến bao giờ bộ mặt đô thị của Hà Nội mới được cải thiện?
Theo Tiền Phong