Các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng nên chú ý nhiều hơn đến phân khúc thị trường bậc trung, thay vì chỉ tập trung đầu tư những công trình hạng sang.
Việt Nam vẫn rất thiếu nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Ảnh: Đ.Thanh |
Các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng nên chú ý nhiều hơn đến phân khúc thị trường bậc trung, thay vì chỉ tập trung đầu tư những công trình hạng sang.
Đó là nhận xét của ông Antoine Sirot, Tư vấn trưởng của Công ty Ethic Consultant tại Hội thảo “Triển vọng ngành du lịch Việt Nam: tương lai sắp tới”, vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Ông này cũng cho rằng, phân khúc thị trường bậc trung này đang phát triển mạnh mà chưa được quan tâm.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Trường Kiên, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh cho rằng, ngành du lịch đang thiếu những khách sạn ba sao tại các thành phố lớn và những điểm du lịch nổi tiếng.
“So với nhiều nước, Việt Nam có lợi thế nhờ lượng khách du lịch nội địa đông. Năm 2008, lượng khách du lịch nội địa lên tới 20 triệu lượt người, chủ yếu sử dụng khách sạn 3 - 4 sao. Do đó, khách sạn 3 - 4 sao đang có nhiều tiềm năng phát triển”, ông Kiên nói.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng khách sạn phục vụ du lịch ở những vùng ngoại thành ở Hà Nội và TP.HCM đang hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ lợi thế về giá đất thấp, có nhiều cơ hội để phát triển.
Để tận dụng cơ hội này, ông Thibault Paquin, Tổng Giám đốc phát triển vùng châu Á của Tập đoàn quản lý khách sạn Accor cho biết, dự kiến, thời gian tới, Accor sẽ xây dựng 30 - 40 khách sạn loại 3 - 4 sao tại Việt Nam. “Tuy nhiên, đến năm 2011, chúng tôi mới bắt đầu triển khai xây dựng các dự án đó, do phải mất thời gian làm thủ tục và xin quỹ đất...”, ông Paquin cho biết.
Một trong những ưu điểm khi đầu tư vào mảng khách sạn bậc trung là nhà đầu tư không phải chọn những mảnh đất có vị trị tốt nhất trong các điểm du lịch, nên sẽ tiết kiệm được chi phí thuê đất cũng như chi phí xây dựng.
Trong khi đó, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội rất lớn vì số lượng người sử dụng khách sạn loại này đang tăng nhanh.
Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng đạt 4,57 tỷ USD (bao gồm cả những dự án mới và đang thực thi).
Theo ông Kiên, hiện nay, số lượng phòng khách sạn của nước ta vẫn còn hạn chế, mới chỉ có 10.400 phòng, bao gồm 31 khách sạn 5 sao, 90 khách sạn 4 sao, trên 300 khách sạn 3 sao, còn lại là 2 sao trở xuống.
Điều này giải thích vì sao các dịp lễ thường “cháy” phòng. Bởi vậy, thời gian tới, khi tình hình du lịch khởi sắc, thì cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khách sạn là rất lớn.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư