M&A bất động sản, sóng mới đang nổi

Cập nhật 25/05/2015 08:26

Từ đầu năm đến nay, nhiều DN địa ốc có thế mạnh về năng lực tài chính vẫn ngấm ngầm thực hiện nhiều thương vụ mua dự án bất động sản. Theo các DN, đây là chiến lược “đón đầu” thị trường tạo quỹ đất.

Từ đầu năm đến nay, nhiều DN địa ốc có thế mạnh về năng lực tài chính vẫn  ngấm ngầm thực hiện nhiều thương vụ mua dự án bất động sản. Theo các DN, đây là chiến lược “đón đầu” thị trường tạo quỹ đất.

Ảnh Internet

Những thương vụ điển hình

Mới đây, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT đã tiết lộ, vừa đàm phán thành công với CTCP Đức Khải trong việc mua lại 2 dự án của DN này tại vị trí đắc địa tại quận 7, TP. HCM thông qua hình thức Hưng Thịnh đã mua lại Công ty Khải Huy Quân (công ty con của Đức Khải, chủ đầu tư của 2 dự án nói trên).

Không tiết lộ mức giá mua bán bao nhiêu, song theo ông Trung, tổng vốn đầu tư của 2 dự án này lên đến gần 2.000 tỷ đồng, trong đó dự án căn hộ cao cấp Florita nằm trong Khu đô thị Him Lam, đang được xây dựng phần móng, dự kiến sẽ công bố ra thị trường trong tháng 6 tới. Dự án còn lại tọa lạc tại phường Phú Mỹ cũng thuộc quận 7, dự kiến cũng sẽ sẽ triển khai trong năm nay.

Trước đó, Hưng Thịnh cũng đã mua lại khá nhiều dự án bất động sản khác như  mua lại Dự án Khu cao ốc chung cư - văn phòng - dịch vụ thương mại (tọa lạc tại số 16 Âu Cơ, quận Tân Phú) từ CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ điện lực (PIST) và xây dựng dự án này thành 1 khu căn hộ bao gồm 2 block tòa nhà 18 tầng, với trên 500 căn hộ.

Môt dự án khác mà Hưng Thịnh đã mua lại là Dự án Khu cao ốc văn phòng và căn hộ chung cư (số 10 Phổ Quang, quận Tân Bình) từ CTCP Đầu tư và Xây dựng cấp thoát nước (WASECO). Dự án bao gồm 4 block nhà cao 16 tầng (3 block căn hộ, 1 block office-tel) với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng. Sau khi mua lại dự án này, Hưng Thịnh đã đổi tên thành Sky Center.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, tính từ đầu năm 2014 đến nay, Hưng Thịnh đã thực hiện việc mua lại thành công 10 dự án bất động ản.

Một DN điển hình khác trong việc “săn” dự án thời gian qua phải kể đến là Tập đoàn Đất Xanh,  tại ĐHCĐ thường niên của Đất Xanh được tổ chức mới đây, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đất Xanh khẳng định, thời gian qua, Đất Xanh đã tăng cường đẩy mạnh hoạt động mua lại các dự án bất động sản, chỉ tính từ đầu năm đến nay, Tập đoàn đã mua lại thành công 6 dự án bất động sản.

“Với sự hỗ trợ tài chính của các ngân hàng VietABank, MBBank…, đặc biệt là sự hỗ trợ của VietinBank với gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho Đất Xanh, chúng tôi sẽ có nguồn vốn dồi dào để đẩy mạnh các thương vụ M&A, hợp tác đầu tư các quỹ đất sạch, pháp lý tốt”, ông Thìn cho biết.

Trước đó, Đất Xanh đã mua lại nhiều dự án khác như một dự án bất động sản có quy mô diện tích hơn 7,5 héc-ta tại vị trí khá đắc địa ở quận 9, TP. HCM. Hay mua lại thành công Dự án Water Garden (khu dân cư phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. HCM) từ CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI). Hiện dự án này đã được Đất Xanh khởi công xây dựng và chuẩn bị công bố ra thị trường sắp tới.

Ngoài những thương vụ kể trên, một số DN khác thành công trong việc mua lại dự án bất động sản phải kể đến như Him Lam mua lại nhiều dự án tại quận 2, Thủ Đức, Phát Đạt mua lại một dự án trên đường An Dương Vương từ Công ty Đức Khải, hay như Novaland mua lại hàng chục dự án của nhiều đại gia bất động sản tên tuổi một thời như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai…

Mua lại dự án bắt đầu gặp khó

Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, sự khó khăn của thị trường bất dộng sản những năm trước đã góp phần làm cho lĩnh vực mua bán dự án bất động sản sôi động. Nhiều DN có năng lực tài chính đã nắm bắt được cơ hội mua lại nhiều dự án tại được quỹ đất sạch. Song, theo các DN, hiện nay, khi thị trường đang bắt đầu khởi sắc trở lại, việc mua lại các dự án không còn là vấn đề đơn giản và gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hưng Thịnh chia sẻ, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản của một thị trường sôi động. “Tuy nhiên, so với trước đây, hiện nay việc đàm phán mua lại dự án gặp nhiều khó khăn hơn. Một mặt, do thị trường phục hồi, nhiều chủ dự án đã không còn muốn bán dự án hoặc nếu bán cũng đưa những yêu cầu cao hơn về giá cả. Mặt khác, việc đàm phán mua lại dự án lúc này cũng gặp phải sự canh tranh nhiều từ các đối tác khác”, ông Trung nói.

Tương tự, theo ông Lương Trí Thìn, nếu như cách đây vài năm, nhiều DN có quan điểm, chấp nhận chuyển nhượng dự án với mức giá hợp lý, thay vì phải “ôm” dự án để chịu các chi phí, thì  hiện nay đã bắt đầu có sự thay đổi về quan điểm, kỳ vọng bán dự án với giá cao vì cho rằng thị trường đang tốt. Do vậy, theo ông Thìn, những DN nào đã tranh thủ được cơ hội mua lại dự án, tạo dựng được nhiều quỹ đất thời gian qua, sẽ có nhiều cơ hội trong thời gian tới.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán