Tuần rồi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội đã mời giới kiến trúc sư trong nước góp ý về các phương án thiết kế kiến trúc nhà Quốc hội. ....
Tuần rồi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội đã mời giới kiến trúc sư trong nước góp ý về các phương án thiết kế kiến trúc nhà Quốc hội. Có nhiều ý kiến chuyên môn cho thấy việc quy hoạch và chọn vị trí xây nhà Quốc hội rất cần được xem lại.
Giật mình nhìn lại...
Hồi đầu tháng 4 - 2007, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về phương án quy hoạch, xây dựng nhà Quốc hội tại lô D trung tâm chính trị Ba Đình. Theo đó, nhà Quốc hội mới sẽ xây trên chính Hội trường Ba Đình, nghĩa là Hội trường Ba Đình sẽ phải phá bỏ.
Cho đến nay, cuộc thi thiết kế nhà Quốc hội đã chọn ra được một giải A và bốn giải khuyến khích trong tổng số 17 đồ án dự thi. Thế nhưng, khi 17 đồ án này được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia để nhận sự góp ý của toàn dân (từ 2 - 9 đến 16 - 9 - 2007) thì giới chuyên môn bỗng giật mình nhìn lại...
Kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng, Nguyên ủy viên Hội đồng Tư vấn kiến trúc của Thủ tướng Chính phủ, nói: “Bỏ qua những tính toán về kinh tế, công nghệ và thẩm mỹ kiến trúc của tòa nhà, việc xây dựng công trình nhà Quốc hội mới tại chính địa điểm của Hội trường Ba Đình là một quyết định cần phải được xem xét lại”.
Theo ông Thắng, không thể xây nhà Quốc hội, một công trình có ý nghĩa, trên “mảnh đất quá nhỏ hẹp (1,2 héc ta - NV) với mật độ xây dựng không bằng tầm của một công trình biệt thự thông thường ở Hà Nội”. Ông dẫn chứng, mật độ xây dựng biệt thự ở Hà Nội là khoảng 30%; trong khi mật độ xây dựng nhà Quốc hội chiếm tới trên 90%, nếu theo thiết kế của đồ án đoạt giải A.
Nhiều kiến trúc sư còn cho rằng, quy mô của Hội trường Ba Đình hiện nay tương đối nhỏ mà hệ thống giao thông đô thị trong khu vực đã gặp nhiều khó khăn, ách tắc trong khi tòa nhà Quốc hội mới có quy mô lớn hơn nhiều. Đó là chưa nói tòa nhà Quốc hội mới hơi “quá tầm” với không gian đô thị hiện hữu.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, vị trí của nhà Quốc hội thiếu một không gian đủ lớn, hoàn chỉnh và xứng tầm. Việc gắn kết kiến trúc giữa nhà Quốc hội với các công trình khác như quảng trường, tượng đài, cây xanh... mà nhất là di tích Hoàng thành là rất khó.
Thật vậy, nhà Quốc hội có kiến trúc hiện đại nhưng lại bị bao bọc (ba mặt Bắc, Đông, Nam) bởi di tích Hoàng thành Thăng Long ngàn năm của tổ tiên xây bằng gạch, đất, đá, gỗ... với kỹ thuật thủ công.
Luyến tiếc Hội trường Ba Đình
Nhưng điều làm cho nhiều kiến trúc sư và kể cả các nhà sử học băn khoăn về vị trí của nhà Quốc hội chính là ở khía cạnh văn hóa - lịch sử. Ông Thắng cho rằng, nếu đã coi khu Hoàng thành hay dinh Thống Nhất là di tích lịch sử - văn hóa phải được tôn trọng, bảo tồn thì không thể không nhìn nhận Hội trường Ba Đình cũng là một di tích cần bảo tồn. Vì nơi đây từng diễn ra những sự kiện trọng đại của một thời đại được đánh giá là vinh quang và đầy ắp sự kiện trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Nhà sử học Phan Huy Lê nhẹ nhàng hơn. Theo ông, Hội trường Ba Đình đã trải qua nhiều lần tu bổ, cải tạo và nới rộng nên kiến trúc hiện nay không còn giữ được dạng nguyên gốc. Tuy nhiên, Hội trường Ba Đình phải được coi là di tích cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh, vì chính nơi đây diễn ra nhiều sự kiện trọng đại như Đại hội Đại biểu chính trị toàn quốc, Đại hội Trí thức toàn quốc, nhiều kỳ họp Quốc hội, lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh... Vì vậy, nếu phải đập Hội trường Ba Đình để xây nhà Quốc hội mới thì cần nghiên cứu một hình thức nào đó để lưu dấu tích lịch sử.
Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng Hội trường Ba Đình mới được nâng cấp hàng trăm tỉ đồng bây giờ đập bỏ liệu có quá lãng phí? Xây dựng nhà Quốc hội mới mà Quốc hội vẫn phải làm việc ba nơi (nhà Quốc hội, trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay và một điểm trên đường Ngô Quyền) thì liệu có hợp lý? Vì thế, ông Thắng cho rằng nên giữ lại Hội trường Ba Đình, tìm một khu đất khác để xây nhà Quốc hội mới thật đàng hoàng, to đẹp và xứng tầm hơn.
Nhiều kiến trúc sư cũng đồng ý với đề xuất này. Có kiến trúc sư đặt câu hỏi, nếu đập Hội trường Ba Đình ra lại thấy có di tích Hoàng thành (không ai dám chắc không có khả năng này) thì liệu chúng ta có dám can đảm xây lên?
Ông Nguyễn Việt Châu, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng, cho rằng nếu không còn chỗ nào khác để xây nhà Quốc hội mà buộc phải xây tại Hội trường Ba Đình thì đây là một bài toán khó cho các nhà thiết kế. Vì theo nhận định của ông Châu, 17 đồ án dự thi “chưa có lời giải hay cho bài toán khó”. Ngay với đồ án được giải A, cũng đã “phạm quy” vì đầu bài chỉ cho mật độ sử dụng đất tối đa là 60% nhưng đồ án thiết kế đến trên 90%.
Nhận xét về 17 đồ án được trưng bày tại triển lãm, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu cho rằng, các thiết kế này cần nhẹ nhàng hơn, làm sao để người dân tiếp cận thân thiện hơn nữa với nơi làm việc của những người đại diện họ.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn