Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS: Vẫn còn nhiều tranh cãi

Cập nhật 20/07/2015 10:39

Trong khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đã có hiệu lực, tại hội thảo lấy ý kiến về các dự thảo nghị định quy định chi tiết 2 luật nói trên do Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức, nhiều vấn đề vẫn còn tranh cãi.

Trong khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đã có hiệu lực, tại hội thảo lấy ý kiến về các dự thảo nghị định quy định chi tiết  2 luật nói trên do Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức, nhiều vấn đề vẫn còn tranh cãi.


Trả lời thắc mắc của đại diện CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín về vấn đề cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, như visa được cấp như thế nào thì được mua, quá cảnh có được mua không; có được phép chuyển nhượng lại BĐS không…, ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) - thành viên tổ biên soạn, cho biết người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam 1 ngày là có thể mua được nhà.

Khi người nước ngoài về nước muốn chuyển nhượng lại BĐS đó sẽ được gia hạn thời gian sở hữu tối đa 1 lần. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng quy định căn hộ trên 15 tầng có thang máy phải có công ty quản lý chuyên nghiệp cần xem lại, vì công ty quản lý sẽ lấy 15-20% +VAT nữa sẽ tốn kém cho người dân.

Việc dành quỹ đất 20% tại 1 dự án để phát triển nhà ở xã hội (NoXH), theo nhiều doanh nghiệp cũng cần xem lại. Bởi lẽ, trong tình hình thị trường mới trên đà hồi phục như hiện nay, chỉ nên quy định khoảng 10% diện tích đất dự án để phát triển NoXH là hợp lý. Nhiều ý kiến cũng cho rằng quy định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và chính người dân sinh sống tại đây.

Thí dụ, với những khu đô thị sang trọng như khu Thảo Điền, Khu đô thị Thủ Thiêm, hay Phú Mỹ Hưng, việc xuất hiện dự án NoXH tại đây là không thể. Vì những người ở NoXH là những người thu nhập thấp, họ không thể nào trang trải nổi chi phí dịch vụ ở những khu đô thị cao cấp này.

Liên quan đến các kiến nghị cần đưa thêm đơn vị bảo hiểm vào bảo lãnh tín dụng nhà ở hình thành trong tương lai, thay vì chỉ riêng ngành ngân hàng, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, cho rằng kiến nghị này rất hay nhưng khi soạn thảo luật, nhiều ý kiến không đồng tình. Lý do, từ trước đến nay, các ngành khác đều đã có bảo lãnh tín dụng, chỉ riêng nhà ở chưa có nên bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai hiện chỉ có ngân hàng.

“Nhà nước xác định việc bảo lãnh này là bảo vệ lợi ích cho khách hàng, cho người dân, không phải cho doanh nghiệp BĐS. Thực tế, thời gian qua có nhiều người mua nhà gần như mất hết tiền do chủ đầu tư bội ước. Trong khi đó, việc xử phạt chậm tiến độ với chủ đầu tư chẳng thấm vào đâu so với số tiền người dân bị mất” - ông Phấn nói. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đực đặt vấn đề: Để 1 ngân hàng cùng thực hiện 3 việc là bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh cho vay dự án và bảo lãnh cho cả khách hàng vay mua nhà hình thành trong tương lai, nếu không may xảy ra rủi ro, ai sẽ chịu trách nhiệm? Ông Phấn cho rằng các ngân hàng rất chặt chẽ, kể cả việc họ có cho vay hay không. Vì thế, không nên lo thay cho ngân hàng.

Ông Huỳnh Vũ Quốc Phương, đại diện Văn phòng Chính phủ, cho biết các ý kiến, kiến nghị trên sẽ được ban soạn thảo nghị định tiếp thu, cân nhắc bổ sung để Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sớm đi vào cuộc sống. Nói về nhà cho người thu nhập thấp, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng hiện nay giá nhà đất ở TP tương đối cao, với các quy định hiện nay người thu nhập thấp không thể mua được.

Trong khi đó, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng buộc phải chứng minh thu nhập dưới 9 triệu đồng, còn ngân hàng lại không muốn cho người thu nhập thấp vay. Theo ông Lê Hoàng Châu, việc Bộ Xây dựng ban hành Công văn 395 hướng dẫn triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở và quy định về mức thu nhập có thể gây ách tắc, ảnh hưởng đến tiến độ xét duyệt và kết quả giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư