Luật Đầu tư công: Chấm dứt đầu tư dàn trải

Cập nhật 18/10/2013 10:18

Luật Đầu tư công sẽ khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư.

Luật Đầu tư công sẽ khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong thời gian vừa qua, việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ODA, vốn tín dụng nhà nước... đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.


Luật Đầu tư công được kỳ vọng sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư

Nhiều công trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư này đã kịp thời giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, đặc biệt là việc phân cấp quá rộng lại thiếu các chế tài và biện pháp quản lý, giám sát, nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, như phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn làn không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải dẫn đến thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém và lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

“Tình trạng này không chỉ gây nợ đọng trong xây dựng cơ bản quá mức, mà còn gây áp lực rất lớn đến việc cân đối ngân sách nhà nước các cấp và gây bức xúc trong dư luận xã hội”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Dự thảo Luật Đầu tư công sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới đây (ngày 14/11), theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư công phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công nói riêng.

“Đây là cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn đầu tư công (không bao gồm đầu tư của doanh nghiệp nhà nước) đối với toàn bộ quá trình đầu tư, từ khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư, lựa chọn chương trình đưa vào kế hoạch; chuyển từ kế hoạch đầu tư hàng năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn (3 - 5 năm); toàn bộ quy trình triển thực hiện kế hoạch đến theo dõi, đánh giá, giám sát kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Bộ trưởng Vinh tin rằng, Luật Đầu tư công sẽ khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư; từng bước hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế trong quản lý đầu tư công.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nếu được thông qua, Luật Đầu tư công sẽ khắc phục được rất nhiều tồn tại, hạn chế hiện nay; thiết lập được trật tự trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.

“Tôi đánh giá rất cao việc Dự thảo Luật Đầu tư quy định cụ thể đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công; điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công; thẩm quyền quyết định chương trình, dự án đầu tư công; căn cứ lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án đầu tư công; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án đầu tư công...Với những quy định cụ thể này sẽ chấm dứt được tình trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả nhưng không có cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trực tiếp”, ông Phan Trung Lý nói.

Ý kiến - nhận định

Luật Đầu tư công cần phải dành một chương quy định cụ thể bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung chương, mục, điều, khoản của luật nào, nghị quyết nào.

Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội

Đầu tư công bị điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó có những văn bản vừa sửa đổi, bổ sung; chuẩn bị sửa đổi bổ sung; sắp ban hành như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch…

Vì vậy, Luật Đầu tư công cần phải dành một chương quy định cụ thể bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung chương, mục, điều, khoản của luật nào, nghị quyết nào để dễ thực hiện. Các luật ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung sau này phải căn cứ vào Luật Đầu tư công theo nguyên tắc, những vấn đề mà Luật Đầu tư công đã quy định rồi, thì không cần quy định nữa, nếu có thì chỉ cần dẫn chiếu thực hiện theo điều, khoản nào của Luật Đầu tư công để tránh trùng lắp, chồng chéo.

Nâng chế tài xử lý đối với những trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá rất cao việc Dự thảo dành hẳn một chương quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể liên quan đến đầu tư công.

Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ vốn đầu tư công, cần phải xác định cụ thể hơn nữa trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; bổ sung các hành vi bị cấm trong đầu tư công để nâng chế tài xử lý đối với những trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả...

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư