Chính sách ưu đãi thuế, lệ phí, bảo lãnh tín dụng... cần phải được áp dụng khi khuyến khích tư nhân đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là phải phân định rõ trách nhiệm, quyền lợi của tư nhân khi tham gia vào các dự án điện, đường, cấp nước...
Chính sách ưu đãi thuế, lệ phí, bảo lãnh tín dụng... cần phải được áp dụng khi khuyến khích tư nhân đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là phải phân định rõ trách nhiệm, quyền lợi của tư nhân khi tham gia vào các dự án điện, đường, cấp nước...
Nhiều ý kiến đã tập trung đề xuất tại hội thảo quốc tế về hợp tác nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 24-11 tại Hà Nội.
Cầu Cỏ May (Bà Rịa-Vũng Tàu) là một trong số dự án có sự tham gia của tư nhân có kết quả thu hồi vốn khả quan. Ảnh: CTV |
Chưa khuyến khích tư nhân tham gia
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nhấn mạnh trong nhiều năm qua, Việt Nam đã rất chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi... nhưng thực tế việc đầu tư này còn quá hạn chế so với yêu cầu phát triển của kinh tế-xã hội.
Cũng theo ông Hà, vừa qua một số dự án đã có sự tham gia của khu vực tư nhân như dự án Nhiệt điện Phú Mỹ II, dự án BOT cầu Cỏ May (Bà Rịa-Vũng Tàu)... Kết quả thu hồi vốn rất khả quan. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý cho mô hình đầu tư hợp tác giữa nhà nước và tư nhân nên chưa khuyến khích được tư nhân tham gia một cách tích cực.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định cần phân biệt được đối tác công-tư khác với tư nhân hóa. “Hiện mô hình đầu tư hợp tác giữa nhà nước và tư nhân chưa được nhận thức đúng. Mô hình này thu hút sự tham gia của tư nhân vào những lĩnh vực mà theo truyền thống là nhà nước phụ trách. Kể cả các nước phát triển thì đường sá, cấp nước sạch... trước đây đều do nhà nước làm hết nhưng nay họ cũng cần thu hút tư nhân.
Ví dụ, nhà máy nước trước đây là do chính quyền địa phương xây dựng nhưng hiện ở TP.HCM có rất nhiều tư nhân vào đầu tư như nhà máy nước Thủ Đức với 300.000 m3 nước mỗi ngày. Đó không phải là tư nhân hóa mà là nhà nước và tư nhân đã kết hợp với nhau.
Cần chứng minh được đầu tư là có lãi
Để tăng cường mô hình đầu tư hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong thời gian tới, ông Hà cho rằng cần nhất quán chính sách, tức những lĩnh vực nào tư nhân có thể làm được, nhà nước không nhất thiết phải làm thì giao cho tư nhân làm. Những dự án cần có sự hỗ trợ của nhà nước với tư cách cơ quan đảm bảo hoặc với tư cách cơ quan góp vốn thì sẽ triển khai sang mô hình hợp tác.
“Rõ ràng là việc phân bổ nguồn lực tài chính của nhà nước như vốn xây dựng cơ bản, vốn ODA cũng cần có sự cơ cấu lại để dành ra nguồn vốn nhất định cho các dự án giữa nhà nước và tư nhân. Đồng thời cần phải cải thiện thủ tục cấp vốn, thanh quyết toán, cơ chế bảo lãnh tín dụng, hay chính sách thuế và phí cho phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng” - ông Hà đề xuất.
Ông Liêm cho rằng đầu tư đường, điện... thường là không có lãi nhiều mà vốn đầu tư lại rất lớn. Nhưng nhiều ngân hàng không mặn mà cho vay. Trong khi đó, tư nhân thường chỉ có 20%-30% vốn, còn lại phải đi vay. Do đó, Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh để ngân hàng giải ngân. Bên cạnh đó, nhà nước phải luôn luôn giám sát, giúp đỡ, đồng thời chia sẻ rủi ro với tư nhân khi thực hiện dự án.
Ông Liêm phân tích thêm: Muốn tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng thì nhà nước phải chứng minh được dự án đó có lợi nhuận. Còn với chính quyền, cũng là nhà đầu tư nhưng cách tiếp cận không phải là lợi nhuận mà là lợi ích của người dân. Thế nhưng hiện nhà đầu tư tư nhân gặp rất nhiều rủi ro. Đơn cử việc giá điện tăng nhưng nhà nước lại không cho giá nước tăng theo mà giá nước lại là do HĐND tỉnh quy định. Nhưng nếu không cho doanh nghiệp tăng giá nước thì nguy cơ đóng cửa nhà máy và dẫn đến tình trạng cả thành phố, thị xã sẽ không có nước. Khung pháp lý phải rõ ràng, nếu không dân sẽ thiệt thòi.
“Pháp luật phải làm thế nào để dung hòa lợi ích và lợi nhuận. Đồng thời, pháp luật phải quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư. Nên có những văn bản hướng dẫn cho từng ngành một. Đơn cử như vệ sinh và nước thì giao cho chính quyền địa phương kết hợp với tư nhân thực hiện. Còn các dự án giao thông, cảng... cũng có văn bản quy định riêng thì tính khả thi mới cao hơn” - ông Liêm đề xuất.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB: WB cho vay để thí điểm
WB đang xem xét, phê duyệt chương trình cho vay để Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án thí điểm một số dự án thực hiện theo mô hình đầu tư hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, có thể dự án đầu tiên là đầu tư đường cao tốc. Về lâu dài, WB sẽ xem xét để tài trợ cho các dự án đầu tư hợp tác giữa nhà nước và tư nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam cần ban hành khung pháp lý cho mô hình này.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nhiều nước đã thực hiện thành công
Đầu tư hợp tác giữa nhà nước và tư nhân là mô hình hợp tác đầu tư không mới nhưng không có nhiều nước thực hiện thành công. Chúng ta đi sau, học hỏi kinh nghiệm của các nước. Trên cơ sở thực hiện thí điểm một vài dự án sẽ ban hành khung pháp lý để làm sao hạn chế được những rủi ro nhất mà khuyến khích được đầu tư của khu vực kinh tế tư nhất, nhất là tư nhân nước ngoài vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP