Đất đai không sinh ra được, muốn bộ mặt đô thị lột xác thì phải có đất, muốn có đất để xây chung cư chỉ có mỗi một cách là… giải tỏa. Nhưng làm sao cho người dân chấp thuận?
Đất đai không sinh ra được, muốn bộ mặt đô thị lột xác thì phải có đất, muốn có đất để xây chung cư chỉ có mỗi một cách là… giải tỏa. Nhưng làm sao cho người dân chấp thuận? Trong cách làm của quận 4, quận 8, quận 11, chúng tôi tìm thấy những câu trả lời...
“Nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”
Quanh trường đua Phú Thọ, quận 11 từ lâu là khu nhà lụp xụp. Nhưng với người dân, dẫu sao đó cũng là nhà ở phố. Điều này trở thành “rào cản” khi vận động người dân chấp thuận lên chung cư, khi chính quyền muốn sửa sang lại khu phố. Bởi quỹ đất của quận gần như “cạn kiệt”, toàn quận có 500ha, riêng Đầm Sen và trường đua Phú Thọ đã chiếm 80ha. Lấy đâu ra đất nền để tái định cư như những quận ven ngoại thành?
Lời giải của bài toán chính là “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”, “chứng minh ở chung cư là tốt, chúng tôi thiết kế đẹp, chất lượng để bà con thấy”, ông Nguyễn Hoàng Thái, Phó chủ tịch UBND quận 11 kể.
Đầu tiên, chung cư Tuệ Tĩnh ra đời, tiếp đó chung cư 312 Lạc Long Quân… mọc lên, có chất lượng khá tốt, được xây dựng hiện đại, nay là những “mặt tiền” của quận, trông không khác gì các chung cư cao cấp đang quảng bá.
Thấy vậy, nếp nghĩ tái định cư (TĐC) ở chung cư đã dần thay đổi. Điều này minh chứng qua con số thống kê, danh sách đăng ký TĐC tăng lên, thay vì 60% như trước đây thì nay lên đến 100% như khu rạp xiếc thuộc trường đua Phú Thọ. Như thế, chỗ ở cho 1.700 hộ xung quanh khu trường đua Phú Thọ đã có lời giải, chung cư cao tầng thay thế cho nhà lụp xụp.
Bài học thành công từ các dự án trước, chính quyền quận đã áp dụng để sửa sang các khu phố mới, khu chung cư cũ có nguy cơ sụp đổ thuộc phường 7, góc Lý Thường Kiệt - Lý Nam Đế; dự án mở rộng nâng cấp Tân Hóa - Lũy Bán Bích…
Nằm sát nách quận 1, bộ mặt đô thị quận 4 thay đổi nhanh đến mức khó có địa phương nào trong thành phố sánh nổi. Hàng loạt chung cư mới mọc lên như những chiếc áo mới rực rỡ, làm cho người ta thoáng quên đi vùng đất một thời mới nghe qua đã ngán vì tệ nạn! Đất đai không sinh ra được, muốn bộ mặt đô thị lột xác thì phải có đất, muốn có đất để xây chung cư chỉ có mỗi một cách là… giải tỏa.
Nhưng làm sao cho người dân chấp thuận? Ở đây, bài học cũng giống với quận 11, phải làm tốt công tác TĐC. Câu chuyện từ hai dự án xây dựng Công viên hồ Khánh Hội giai đoạn 2, xây dựng Công viên cù lao Nguyễn Kiệu là minh chứng. Thực hiện dự án cần phải giải tỏa hơn 1.000 hộ, theo kinh nghiệm từ các dự án trước số lượng TĐC căn hộ chung cư khoảng 15%. Tuy nhiên nhằm chuẩn bị dự phòng quận tăng diện TĐC lên 30%, trong đó có một nửa là quỹ nhà có sẵn trên địa bàn, nằm ở các chung cư Khánh Hội 1, 2, Vạn Đô… “Khi triển khai, người dân đăng ký TĐC tăng lên 60%, làm chúng tôi hết sức bất ngờ”, ông Nguyễn Thiện Hoàng Lên, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 4 cho biết.
Tất nhiên, giải pháp xử lý dựa theo quy định, những hộ đăng ký bàn giao mặt bằng sớm sẽ được quyền chọn lựa. Đối với chính quyền, kinh nghiệm chính là nằm ở chỗ phải tạo nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, đó là những chung cư có chất lượng tốt góp phần bố trí TĐC, cũng chính là vóc dáng vươn lên của quận như H 1, 2, 3 hoặc chung cư M 1, 2, 3, Khánh Hội, Vạn Đô…
Quỹ nhà từ... kho bãi
Nếu như quận 11, quận 4 lột xác đô thị bằng cách thay đổi tư duy từ nhà phố sang nhà chung cư thì quận 8 có thể đi lên từ kho bãi, tức là “đấu” với nhóm lợi ích đang giữ quỹ đất công!
Trở lại với vị trí địa lý của quận 8. Đó là một đô thị tự phát, 45km kênh rạch lớn nhỏ đã chia cắt quận thành từng khu vực cù lao. Mặc dù ở gần trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn nhưng quận 8 bị đò giang cách trở bởi 2 con kênh Tàu Hủ và kênh Đôi, hệ thống hạ tầng đầu tư không đáng kể. Cho dù những năm qua tốc độ đô thị hóa có cuốn quận 8 đôi chút, nhưng chưa khỏa lấp được sự nghèo nàn xập xệ của hàng chục ngàn căn nhà ven kênh rạch.
Theo thống kê của UBND quận 8, nhà trên kênh và ven kênh rạch có đến 10.615 căn; 26 khu nhà lụp xụp với 16.000 căn nhà, tất cả đều cần giải tỏa di dời hoặc phải chỉnh trang cho đàng hoàng. Kế hoạch chỉnh trang chia làm 3 giai đoạn, trước mắt giai đoạn 1 phải di dời 2.611 căn trên hoặc ven kênh và lụp xụp. Trong các giải pháp đưa ra, quận 8 có “chìa khóa vàng” là hàng loạt kho bãi đang bỏ trống, hoặc không sử dụng.
Qua đợt tổng rà soát mới đây, toàn quận có tổng cộng 74 kho, trong đó trung ương quản lý 28 kho, thành phố quản lý 46 kho với tổng diện tích 307.984,9m2. Với các kho đã thu hồi, quận đã có chút vốn liếng “lận lưng”ù, còn các kho khác quận mời chủ đầu tư hợp tác, nếu phù hợp quy hoạch thì lập dự án nhà ở, trong đó có TĐC.
Một hướng khác nữa, từ bờ Nam kênh Đôi có dãy cây xanh chạy dài hơn 6km từ phường 1 đến phường 7 lại có nhiều kho bãi đang trống, quận chọn ra một số kho bãi, thay vì quy hoạch công viên cây xanh sẽ chuyển đổi sang xây chung cư TĐC, nhưng vẫn bảo đảm quy hoạch chi tiết.
Có đất rồi, lấy vốn ở đâu thực hiện? Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó chủ tịch UBND quận 8 trả lời: “Sẽ khó khăn nếu xin từ ngân sách. Chúng tôi đề xuất 3 giải pháp. Thứ nhất là vay không lãi, sau khi di dời dân sẽ thu tiền trả lại. Thứ hai là xã hội hóa, đề nghị đơn vị quản lý các kho xây dựng chung cư, bán lại cho quận theo hướng bảo tồn vốn 40% quỹ nhà. Thứ ba là tổ chức đấu giá”.
Giải pháp đã có, làm thế nào để cho các kho bãi trở nên “hữu dụng” vẫn là cuộc chiến cam go, trên thực tế số “chủ kho” không dễ chấp thuận, chẳng hạn có 3 chủ kho không hợp tác hoặc kéo nhau ra tòa. Tuy nhiên kết quả bước đầu đáng khích lệ khi chính thức thu hồi được 5 kho, trong đó có một kho bố trí TĐC.
Thành phố đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, bùng nổ hàng loạt dự án hạ tầng trông như một đại công trình, muốn thực hiện tốt chắc chắn có sự đóng góp rất lớn của người dân khi bị giải tỏa. Nhưng đổi lại chính quyền phải lo tốt chỗ ở cho dân, đó chính là sự công bằng, những kinh nghiệm tốt của các địa phương chăm lo TĐC là một tiền đề quan trọng để hướng tới giải quyết hậu giải tỏa…
Dự án đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài quận Tân Bình
Tăng hệ số bồi thường đối với vật kiến trúc trên đất
Chiều 8-4, ông Đoàn Văn Sanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài quận Tân Bình cho biết: Đến nay 219/284 trường hợp bị thu hồi đất trong dự án nằm trên địa bàn phường 2 quận Tân Bình (đi qua bốn tuyến đường Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hồng Hà, Yên Thế) đã hiệp thương xong. Trong đó, 169 trường hợp đã nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng với tổng số tiền hơn 181 tỷ đồng, 112 trường hợp đã bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra, quận cũng chuẩn bị xong 70 căn hộ tại lô J chung cư Bàu Cát II phục vụ tái định cư. Đối với việc một bộ phận nhỏ hộ dân bị giải tỏa yêu cầu tăng mức giá bồi thường do yếu tố trượt giá, hội đồng bồi thường cho rằng không có cơ sở để xem xét vì thời gian qua, thị trường địa ốc trầm lắng, không có trường hợp giao dịch nào có mức giá cao hơn mức giá đền bù giải tỏa đã được thành phố phê duyệt.
Chỉ riêng 169 hộ dân đã hiệp thương xong được UBND TP chấp thuận tăng mức bồi thường đối với vật kiến trúc trên đất, với hệ số 1,3 lần so với mức trước đây.
Phấn đấu đến hết tháng 6-2009, quận Tân Bình sẽ bàn giao xong mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng