Lỏng lẻo Liên minh sàn giao dịch BĐS

Cập nhật 12/09/2013 15:41

Ngày 9/9 vừa qua, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội đã chứng kiến sự ra mắt của Liên minh sàn giao dịch (SGD) bất động sản R9+ với 9 SGD BĐS thuộc 9 công ty. Cùng với các mô hình liên kết khác, như: liên minh SGD G5, Câu lạc bộ (CLB) BĐS Hà Nội, CLB Kinh doanh BĐS, Mạng SGD BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam, R9+ là cái tên mới nhất được kỳ vọng là nơi chia sẻ thông tin, tận dụng cơ hội kinh doanh hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN).

Ngày 9/9 vừa qua, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội đã chứng kiến sự ra mắt của Liên minh sàn giao dịch (SGD) bất động sản R9+ với 9 SGD BĐS thuộc 9 công ty. Cùng với các mô hình liên kết khác, như: liên minh SGD G5, Câu lạc bộ (CLB) BĐS Hà Nội, CLB Kinh doanh BĐS, Mạng SGD BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam, R9+ là cái tên mới nhất được kỳ vọng là nơi chia sẻ thông tin, tận dụng cơ hội kinh doanh hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN).

>> Ra mắt Liên minh sàn giao dịch bất động sản R9+

>> Liên kết sàn: Không cần ép, vẫn thành

Nhưng gần như thành tiền lệ xấu, những người "anh" đi trước, như: G5, CLB BĐS Hà Nội… luôn rất hoành tráng và đầy "màu hồng" khi vừa "khai sinh", còn sau đó, thực chất hoạt động, hiệu quả mang lại cho từng thành viên, cũng như đối với người tiêu dùng (NTD) và thị trường địa ốc lại đầy... thất vọng.

Liên minh… hình thức

Không oan khi đánh giá như vậy về thực trạng hoạt động của nhiều mô hình liên kết DN BĐS, SGD BĐS trong vài năm qua.

Đã có nhiều ý kiến nhận định thị trường BĐS Hà Nội luôn "thua xa" đầu thị trường phía Nam cả về tính chuyên nghiệp lẫn minh bạch, nhưng lại vượt trội về cách khoa trương bề ngoài.

Chỉ xét riêng cách tổ chức, liên minh (được cho là tạo sức mạnh vượt khó, cùng chia sẻ cơ hội và giảm bớt gánh nặng do thị trường suy sụp) của địa ốc Hà Nội có rất nhiều kiểu so với Tp.HCM. Sau khi Hiệp hội BĐS Việt Nam ra đời vào năm 2002, đến nay, mô hình liên kết dưới dạng CLB, Hội… đã ngày một phổ biến. Hầu hết những mô hình liên kết kiểu này đều đề ra tiêu chí hướng tới sự minh bạch của thị trường, chia sẻ cơ hội thành công.

Thế nhưng, hiệu quả của hầu hết các liên minh này vẫn còn là điều đáng bàn.

Năm 2009, CLB BĐS Hà Nội chào đời với gần 100 hội viên. Tới nay, con số này đã vượt xa mức đó. Nhưng theo ông Tuấn - GĐ một DN thành viên, việc liên kết, chia sẻ cách làm, chia sẻ mối hàng, hay đơn giản chỉ là chia sẻ "kinh nghiệm xương máu", gần như không có. Có chăng, đó là những cái bắt tay đầy toan tính giữa những DN có khả năng thực sự (về tài chính, về chuyên môn, hoặc về quan hệ) để "khơi thông" những dự án nằm bất động, những dự án bị cơ quan chức năng "soi". Tình trạng "bằng mặt nhưng không bằng lòng" diễn ra như một điều tất nhiên, vì DN nào cũng sợ bị đối phương nhìn thấy điểm yếu hoặc lo lắng về khả năng mất cơ hội do bị cạnh tranh.

Bao giờ những liên minh sàn mới trở thành niềm tin vững chắc của NTD?

CLB kinh doanh BĐS (REB Club) cũng vậy. Gần 3 năm nay, thị trường, NTD, thậm chí không ít nhà đầu tư còn "ngơ ngác" khi được hỏi về tổ chức này. Lý do: kể từ khi ra đời, REB Club gần như mất hút trên thương trường. Ngay cả những sự kiện có sức lan tỏa rộng trong cộng đồng như ngày hội mua nhà giá gốc, Hội chợ BĐS..., vẫn không nhận ra tiếng nói của REB Club.

Chủ một DN chuyên phát triển nhà ở bình dân, từng tham gia trong CLB từ ngày đầu ngán ngẩm chia sẻ: "Làm gì có cái gọi là chia sẻ cơ hội, kinh nghiệm làm ăn. "Ông" nào cũng cho là mình giỏi, mình tốt, nhưng không bao giờ có chuyện cùng hợp tác.

Nếu có, chỉ là vay vốn nhau, hay sang nhượng rẻ dự án để trả nợ. Mạnh ai nấy làm, dè chừng và lợi dụng nhau khi có thể. Đó là tình trạng chung"...

Đồng sàng dị mộng

Không thể phủ nhận sự cố gắng của những cá nhân, đơn vị thành viên liên minh đã nỗ lực để duy trì, phát triển hoạt động của tổ chức. Nhưng chừng đó là chưa đủ. Vì cố gắng, hy vọng, quyết tâm, mục tiêu đề ra là một chuyện, còn lại, làm được hay không còn dựa vào khả năng thực sự (tài chính, chuyên môn, nhận thức) và nhất là tính thống nhất, đoàn kết "cùng nhìn về một hướng" của các thành viên.

Giữa lúc thị trường vẫn chưa hết bết bát, R9+ ra đời cũng nằm trong suy nghĩ "liên kết tạo sức mạnh vượt khó" của 9 đơn vị địa ốc. Theo đó, các hoạt động của R9+ bao gồm: nghiên cứu, báo cáo thị trường, tư vấn chiến lược tiếp thị dự án và phân phối sản phẩm dự án và thẩm định giá, đấu giá BĐS…

Theo lãnh đạo SGD BĐS VIC, để tồn tại và phát triển được thì việc kết hợp, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác, tạo nên sức mạnh tập thể là cần thiết. Còn bà Tâm - GĐ SGD BĐS TH, chia sẻ: "Thị trường sẽ có nhiều hơn những liên minh kiểu này. Gọi là liên minh, nhưng lại có yếu tố cạnh tranh, "cá lớn nuốt cá bé" nội tại, và giữa các nhóm DN. NTD hay thị trường sẽ chẳng được lợi gì, vì DN đang vẫy vùng tìm đường ngoi lên khỏi đầm lầy BĐS".

Những lời của cá nhân này rất có cơ sở. Bởi điểm "chết" muôn thuở của thị trường luôn là thông tin bị phù phép. Kém liên thông, mù mờ thông tin về giá, về pháp lý dự án, về khả năng thực sự của chủ đầu tư và mải mê kiếm lợi nhanh…đã khiến thị trường trở về thời mông muội. Ngay cả với các SGD BĐS, việc hợp nhất hay không thực sự không phải là điều quá quan trọng, mà là sự nhận thức, cái tâm (rồi mới tính đến trình độ) của người làm nghề. Liên minh, hay bất cứ dạng thức liên kết DN BĐS nào, sẽ chỉ tồn tại được khi đáp ứng nhu cầu thông tin của thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh