Long Hậu: khi một m2 đất nông nghiệp rẻ hơn một tô phở!

Cập nhật 21/06/2009 09:40

Ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An chỉ cách Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Nhà Bè, TPHCM có cây cầu Long Hậu nhưng giá đất rẻ lạ kỳ. Ở đây, một mét vuông đất nông nghiệp...

Ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An chỉ cách Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Nhà Bè, TPHCM có cây cầu Long Hậu nhưng giá đất rẻ lạ kỳ. Ở đây, một mét vuông đất nông nghiệp rẻ hơn một tô phở Hòa, một mét vuông đất thổ cư rẻ hơn một ký thịt ba rọi... Nhưng không phải ai mua cũng được!

Bà Tư Chạy cẩn thận mở từng lớp nylon bao lấy mớ giấy tờ... Rất nhanh, năm cái sổ đỏ đứng tên Võ Thị Chạy đã được bày ra giữa nền nhà. “Đó, hơn ba ngàn mét vuông đất mà người ta tính trả cho tui có một trăm hai mươi triệu”, bà nói. Vuốt mái tóc ngắn bạc trắng, giọng bà nghèn nghẹn: “Tui muốn sống hết cuộc đời bằng nghề trồng lá ở đây...”. Rồi bà lau những giọt nước lăn xuống từ đôi mắt trũng sâu: “Tôi không muốn bán đất”. Nhưng thật là khó cho bà và người dân ấp 3, khi mà chính quyền đứng ra “mua đất” giúp cho doanh nghiệp.

Về “vùng đất hứa”

Ông M., công an xã Long Hậu gọi điện thoại cho tôi, nói: “Người dân ấp 3 đang bất bình với chính sách bồi thường, giải tỏa của Công ty Thái Sơn. Anh coi có hợp lý không khi mà một mét vuông đất nông nghiệp đền bù có ba lăm ngàn, thổ cư chín chục ngàn, lại còn buộc người dân phải mua lại nền nhà tái định cư với giá cao”. Tôi quen ông M. trong một chuyến công tác cách đây hai năm nên biết ông là dân ấp 3, cũng bị “mất đất” vì dự án của Công ty TNHH dịch vụ - du lịch - thương mại Thái Sơn.

Tôi xuôi về Long Hậu theo trục đường Nguyễn Hữu Thọ giữa trưa nắng gắt. Hơn hai mươi cây số đường nối trung tâm TPHCM với Khu đô thị cảng Hiệp Phước (tương lai) bụi mịt mù vì đang được mở rộng. Qua cầu Hiệp Phước, rẽ phải chừng trăm mét, đến cầu Long Hậu là đến ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc. Tại đây, tỉnh Long An “đón khách” bằng một đoạn đường nhựa to và đẹp; với bên phải là Khu công nghiệp Long Hậu đã định hình, bên trái là dự án khu dân cư đang được bơm cát.

Cuối đoạn đường đẹp đẽ chừng hai cây số ấy là một cây cầu ván nhỏ - nối với con đường đất đỏ dẫn về UBND xã Long Hậu. Dọc con đường nhỏ này là diện tích đất còn lại của ấp 3 - sau khi “nhường chỗ” cho dự án Khu công nghiệp Long Hậu (chủ đầu tư là Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận và Công ty cổ phần Việt Âu) và dự án khu dân cư của Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn. Bây giờ, dự án xây dựng khu giải trí, thương mại, du lịch, biệt thự và chung cư cao cấp của Công ty Thái Sơn muốn “nuốt chửng” luôn cái ấp 3 này.

Nhưng, không chỉ có ấp 3, theo ông M., viễn cảnh sáng sủa của Hiệp Phước - với việc di dời cảng Sài Gòn về đây - đã kéo nhiều nhà đầu tư đến vùng Long Hậu. Hơn 1.500/2.000 héc ta đất của Long Hậu đã được quy hoạch thành đất dự án khu công nghiệp, sân golf (bây giờ chuyển thành khu du lịch, nhà ở)... Gần 1.000/1.600 hộ dân sống trong vùng đất này đã và đang đối mặt với việc phải giải tỏa.



Bà Chín Xược đeo nhiều vòng vàng
nhưng rất lo lắng cho tương lai...
Ảnh: Quang Chung.

Bà Chín Xược sống gần chân cầu ván kể rằng, trước đây nhà và ruộng của bà ở gần cầu Long Hậu nhưng bị giải tỏa xây Khu công nghiệp Long Hậu nên về đây thuê đất cất nhà lá ở tạm. Bà bị giải tỏa 300 mét vuông đất thổ cư và 8.000 mét vuông đất ruộng, được đền bù 300 mét vuông tái định cư (đất đổi đất) và 240 triệu đồng (30.000 đồng/mét vuông đất ruộng). Suốt bốn năm qua, vợ chồng con cái bà tiêu xài đã gần hết số tiền trên (mổ tim, cho con...), nên giờ người ta giao nền không còn tiền xây nhà.

Cũng may là bà còn 4.000 mét đất ruộng! “Nhiều lúc tính bán lấy tiền xây nhà nhưng lại sợ có nhà mà không biết lấy gì sống nên lại thôi”, bà Chín nói. Nhưng bây giờ bà không muốn bán cũng không được, vì đất của bà nằm trong dự án của Công ty Thái Sơn và chính quyền huyện Cần Giuộc đã có quyết định thu hồi. Bà nói: “Họ cứ kêu tui ký nhận tiền nhưng tui không đồng ý vì giá rẻ quá. Trước đây người ta trả tui hơn 100 triệu một công tui không bán, giờ họ trả có 35 triệu”.

Theo giá bồi thường của Công ty Thái Sơn, nếu đồng ý, bà Chín nhận được 140 triệu đồng, nhưng phải trả lại cho Công ty Thái Sơn 120 triệu đồng để nhận 200 mét vuông đất tái định cư (vì bà không có đất thổ cư nằm trong dự án). Ông Nguyễn Văn Tửng, cũng bị thu hồi đất để xây Khu công nghiệp Long Hậu, ở nhà thuê kế bà Chín, nói: “Cứ tưởng chính sách đền bù của Tân Thuận bất lợi cho dân, nhưng giờ chính sách đền bù của Thái Sơn còn tệ hơn”. (Người dân ở đây gọi tắt chủ đầu tư khu công nghiệp Long Hậu là Tân Thuận - Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận).

Chính sách của Tân Thuận là người dân có bao nhiêu diện tích đất thổ cư họ sẽ được đổi đúng diện tích đó trong khu tái định cư; còn đất nông nghiệp họ đền bù 30 triệu đồng/1.000 mét vuông, cộng với quyền mua thêm đất thổ cư với giá ưu đãi. Trong khi Thái Sơn đền bù 35 triệu đồng/1.000 mét vuông đất nông nghiệp và 9 triệu/100 mét vuông đất thổ cư, nhưng buộc người dân mua lại nền tái định cư với giá 30 triệu/100 mét vuông (với các hộ có đất thổ cư) và 60 triệu/100 mét vuông (với người dân không có đất thổ cư).

Nhìn thấy tương lai sáng - tối



Bà Võ Thị Chạy và tài sản lớn của
   đời người. Ảnh: Quang Chung.

Với các dự án đầu tư vào Long Hậu, vùng đất nghèo khó này đang ngày một đổi thay. Rồi đây, khi đô thị cảng Hiệp Phước của TPHCM hình thành, Long Hậu, Long An cùng với những dự án đang ập đến cũng sẽ là một đô thị hiện đại. Nhưng người dân Long Hậu sẽ trôi giạt về đâu khi mà cơ hội để họ bám trụ với mảnh đất này là rất mong manh?

Không nhìn đâu xa, họ có thể đã hình dung được tương lai từ những người hàng xóm của mình. Thật vậy, từ con đường đất đỏ gần cái cầu ván giáp với Khu công nghiệp Long Hậu, rẽ vào con đường nhỏ ngoằn ngoèo, theo những bờ ao rậm lá dừa nước chừng mười phút, một dãy nhà xây sơn còn mới hiện ra... Theo ông M., đây là dãy nhà của những người dân ấp 3 bị giải tỏa mua lại đất khu này xây nhà ở. Nhà của bà Nguyễn Thị Ảnh, ông Lê Văn Hạn... mới xây, ở chưa quen hơi, giờ lại bị Công ty Thái Sơn giải tỏa tiếp.

Theo ông M., dân ở ấp 3 này rất hiếm người học tới lớp bốn, vì trước đây vùng này địa hình cách trở (sông nước). “Nghề chính của họ là trồng lúa, bắt còng, bắt cá, chằm lá dừa nước... giờ mất đất, mất môi trường kiếm sống biết làm gì!”, ông M. than. Trước đây các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng ưu tiên nhận con em người địa phương vào làm việc... nhưng do không có tay nghề và không quen việc nên rất ít người bám trụ được.

Ông Nguyễn Văn Tửng mô tả cuộc sống của người dân mất đất ở đây rất lạ: người già nằm nhà; thanh niên nhậu nhẹt, đua xe; mấy bà thì cà nhổng chợ búa... Tiền đền bù có nhiều bao nhiêu ăn không cũng hết. Không ít trường hợp, như ông Hà Công Mận, tiêu hết tiền bồi thường rồi bán luôn đất nền tái định cư khi nó còn nằm trên giấy; ông Tư Nghe bán hết nhà cửa đi nơi khác vì có ở lại cũng không biết làm gì để sống...

Trên con đường làng quanh co mát rượi dừa nước ở ấp 3, tôi thấy một cặp vợ chồng già đang chằm lá dừa nước trước sân một căn nhà xây kiên cố rợp bóng mát cây ăn trái. Người đàn ông đang chặt những tàu dừa xanh tươi, người đàn bà sắp từng cọng lá dừa... “Nhà có bị giải tỏa không bác?”, tôi hỏi. “Có, nhưng tui không đi”, ông trả lời. Ông cho biết, ông tên Võ Ngọc Ngà, có hơn 8.000 mét vuông đất ruộng dừa và 300 mét đất thổ cư, sống an nhàn với nghề chằm lá... giờ bị giải tỏa đúng là tai họa.

Ông Ngà nói: “300 mét vuông đất thổ cư của tui họ đền có 27 triệu, trong khi mua lại 100 mét tái định cư của họ 30 triệu; làm sao tui chịu?” Kế nhà ông Ngà là nhà bà Võ Thị Chạy. Bà Chạy cũng cho biết sẽ không bao giờ chấp nhận kiểu đền bù như thế...

Nhưng đất của người dân ấp 3 đã có quyết định thu hồi của chính quyền tỉnh Long An, và huyện Cần Giuộc đang nỗ lực thu hồi giúp nhà đầu tư - Công ty Thái Sơn. (Trong Quyết định thu hồi đất ghi rõ: “Nguồn vốn bồi thường do Công ty Thái Sơn chi trả”). Một điều rất lạ: Dự án của Công ty Thái Sơn là dự án phát triển kinh tế bình thường, theo Luật Đất đai và Nghị định 181, lẽ ra Công ty Thái Sơn phải trực tiếp thương lượng với người dân về giá đền bù - theo giá thị trường, nhưng trên thực tế, chính quyền tỉnh Long An thực hiện việc đền bù giải tỏa thay cho doanh nghiệp. Theo ông Mai Văn Nhiều, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, dự án của Thái Sơn là dự án lớn nên tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Nhưng, cho dù là nhà nước thu hồi đất (phát triển kinh tế) thì giá cũng phải “sát với giá thị trường” theo quy định của pháp luật chứ!

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG