Ông Phạm Văn Rạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, Long An đang tập trung vào việc sàng lọc các nhà đầu tư, kiểm tra thu hồi những dự án chậm triển khai, ưu tiên bố trí các dự án mới vào các khu, cụm công nghiệp…
Tỉnh Long An sẽ tiến hành sàng lọc các nhà đầu tư, ưu tiên thu hút và bố trí dự án đầu tư vào các khu công nghiệp.
Ông Phạm Văn Rạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, Long An đang tập trung vào việc sàng lọc các nhà đầu tư, kiểm tra thu hồi những dự án chậm triển khai, ưu tiên bố trí các dự án mới vào các khu, cụm công nghiệp…
“Trong thời gian tới, Long An sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trong nước, nước ngoài theo hướng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án không đảm bảo tiến độ”, ông Rạnh cho biết.
Trong 9 tháng đầu năm nay, đã có hai dự án có vốn cam kết đầu tư trên 1 tỷ USD được cấp phép tại Long An. Đó là Dự án Cảng Long An tại huyện Cần Giuộc có vốn đầu tư 1 tỷ USD và Dự án Khu vui chơi giải trí Happyland tại huyện Bến Lức với số vốn cam kết lên đến 2 tỷ USD. Ngoài ra, Dự án nhà máy sản xuất ván ép có vốn đầu tư 100 triệu USD của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cũng vừa được khởi công vào đầu tháng 8 vừa qua.
Ông Nguyễn Minh Hạ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An nhận xét, qua rà soát tiến độ triển khai của các dự án đầu tư trên địa bàn, tỉnh đã phát hiện 37 dự án đầu tư (với diện tích khoảng 3.000 ha) chậm triển khai. Đa số các dự án chậm triển khai tại Long An thuộc lĩnh vực hạ tầng công nghiệp và khu đô thị.
Cũng từ đầu năm đến nay, đã có 8 dự án với diện tích gần 100 ha bị thu hồi do không triển khai đúng thời hạn và 16 dự án khác đang được gia hạn.
Nguyên nhân chậm triển khai dự án phần lớn xuất phát từ việc chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Bà Trần Thị Việt Thanh, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới và trường đua ngựa Hồng Phát (có diện tích 324 ha) cho biết, dự án đã san lấp được khoảng 45 % diện tích và đang thương thảo với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút vốn đầu tư triển khai dự án. Nhưng cũng có khá nhiều dự án có dấu hiệu cố tình kéo dài triển khai do nhà đầu tư muốn “găm đất” chờ giá lên.
“Đa số các dự án đô thị và cụm, khu công nghiệp của Long An tập trung tại 3 huyện giáp ranh TP.HCM là Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc. Tình hình “đóng băng” của thị trường bất động sản TP.HCM thời gian qua đã ảnh hưởng đến quyết tâm của nhà đầu tư khi thực hiện các dự án”, ông Lâm Trúc Nhỏ, chủ đầu tư Khu công nghiệp Phú An Thạnh (Bến Lức) nhận định.
Bên cạnh đó, theo một nhà đầu tư, so với các tỉnh khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mạng lưới hạ tầng giao thông của Long An vẫn chưa được đầu tư đúng mức khiến việc kết nối với TP.HCM rất khó khăn. “Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, Quốc lộ 1A là những con đường huyết mạch nối Long An với TP.HCM. Phía Long An đã làm xong, nhưng phía TP.HCM tiến độ thi công rất chậm do vướng mặt bằng”, nhà đầu tư này nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư