Long An - Sức hút đầu tư từ các khu, cụm công nghiệp

Cập nhật 23/09/2011 11:35

Với vị trí địa lý, giao thông thủy, bộ thuận lợi lại được quy hoạch sẵn tạo hiệu quả tích cực làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh Long An.

Với vị trí địa lý, giao thông thủy, bộ thuận lợi lại được quy hoạch sẵn tạo hiệu quả tích cực làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh Long An.

Long An hiện có 30 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 10.940,7ha, trong đó có 17 khu đã đi vào hoạt động và 40 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CCN-TTCN) với diện tích 4.428,24ha, trong đó có 9 cụm đã đi vào hoạt động. Ông Phan Thành Phi, Trưởng Ban quản lý các KCN Long An cho biết, trong thời gian qua Long An đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu, CCN, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong và ngoài các KCN, CCN, đặc biệt tập trung tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc.

Riêng huyện Bến Lức, một huyện được đánh giá phát triển mạnh về công nghiệp, đến nay đã hình thành 16 dự án khu, CCN, san lắp mặt bằng được 1.022,8ha, đạt 46,72%. Đặc biệt, dự án cảng quốc tế Long An (thuộc xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) với vốn đầu tư hàng tỷ USD vừa khởi công dự kiến đi vào hoạt động năm 2014 sẽ biến vùng đất này thành một “cảng Sài Gòn” mới.

Long An cũng đổi mới, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư tại một số nước, vùng lãnh thổ có công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… và quan tâm đặc biệt đến các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, ưu tiên thu hút, tạo điều kiện mở rộng các dự án sản xuất vật tư nguyên liệu thay thế nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ.

Nhờ đó, các khu, CCN của Long An thu hút nhiều DN có quy mô lớn (có 20 DN lớn, chiếm khoảng 60% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh). Các sản phẩm từ các khu, CCN tham gia xuất khẩu ổn định, có uy tín như hạt điều nhân, gạo, hàng may mặc, thủy sản chế biến, thiết bị chế biến gạo xuất khẩu... Điển hình như huyện Bến Lức, có đến 62 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 888 triệu USD (chiếm 34% so toàn tỉnh), 1.069 DN có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 6.035 tỷ đồng (chiếm 25% toàn tỉnh).

Đức Hoà cũng là huyện trọng điểm của Long An về phát triển công nghiệp. Đến nay Đức Hoà có hơn 400 nhà đầu tư thứ cấp trong 7 khu, CCN và hơn 400 DN vừa và nhỏ hoạt động ngoài khu, CCN. Giai đoạn 2011-2015, Long An sẽ tập trung hơn nữa trong hỗ trợ để phát triển các khu, CCN. Theo đó, tỉnh có chỉ tiêu lấp đầy khoảng 4.000-5.000 ha/13.300ha đất cho phát triển khu, CCN, bố trí chủ yếu tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, thành phố Tân An. Đối với ngành công nghiệp nặng (hóa chất cơ bản, phân bón, xi măng, đóng tàu) sẽ bố trí vào khu, cụm thuộc huyện Cần Giuộc, Tân Trụ; ngành ít ô nhiễm sẽ bố trí vào các khu, cụm thuộc huyện Đức Hoà, Bến Lức, thành phố Tân An… Đến năm 2015, Long An sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng tất cả các khu, CCN để đưa vào hoạt động, trong đó lấp đầy đạt khoảng 48% diện tích cho thuê.

Theo ông Phan Thành Phi do hoạt động có hiệu quả nên trong giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ cho Long An bổ sung thêm 4 KCN tại danh mục các KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Bốn KCN đó là KCN Phú Long (xã Long An, huyện Cần Giuộc), diện tích 292ha; KCN Đại Lộc (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), diện tích 338ha; KCN Long Hậu 3 (xã Phước Lại và xã Phước Vĩnh Tây), diện tích 1.1654ha và KCN Hựu Thạnh (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa), diện tích 550ha.

DiaOcOnline.vn - Theo VEN