Với giá nhà đất hiện nay, việc mua được một chỗ ở của các đối tượng có thu nhập thấp như cán bộ công nhân viên (CBCNV), lực lượng vũ trang, công an... trở thành một điều không tưởng.
Với giá nhà đất hiện nay, việc mua được một chỗ ở của các đối tượng có thu nhập thấp như cán bộ công nhân viên (CBCNV), lực lượng vũ trang, công an... trở thành một điều không tưởng.
Trong khi đó, hàng loạt chính sách nhằm phát triển quỹ nhà ở xã hội trong bao nhiêu năm qua vẫn cứ im lìm trên giấy. Đó là thực tế đang diễn ra ở TPHCM.
Nhà ở xã hội... trên giấy
Theo kết quả của một nghiên cứu do Liên minh Hợp tác xã TPHCM, đến năm 2010, thành phố cần phải có một quỹ nhà ở khoảng 70.000 căn hộ để cung cấp chỗ ở cho đối tượng là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, giáo viên... Đây là những đối tượng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì với thu nhập như hiện tại không thể nào tạo dựng được một chỗ ở. 3 năm trước, báo chí thông tin rầm rộ về hàng loạt các chương trình nhà ở giá rẻ, bán trả góp cho đối tượng là người thu nhập thấp như CBCNV, lực lượng công an, công nhân...
Trong đó phải kể đến chương trình hợp tác giữa Tổng Cty Địa ốc Sài Gòn với một Cty của Hàn Quốc xây dựng 60.000 căn hộ. Giá bán mỗi căn hộ diện tích từ 40 đến 60m2 nằm trong khoảng 200-300 triệu đồng, người mua nhà được trả góp trong vòng 20 năm. Sau khi hoàn thành, toàn bộ quỹ nhà sẽ được bán lại cho TP để TP bán cho người nghèo.
Tiếp đó, Cty liên doanh GMC (liên doanh giữa một Cty trong nước với một đối tác Hàn Quốc) cho triển khai một dự án xây dựng 90.000 căn hộ giá rẻ tại nam Sài Gòn. Sau đó, mô hình hợp tác xã nhà của Hợp tác xã (HTX) nhà ở Gia Phú (thuộc Liên minh HTX TPHCM) cũng khởi động một dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp ở huyện Bình Chánh... cũng được đánh giá là một mô hình sáng tạo và có tính khả thi cao.
Thế nhưng trên thực tế, cho đến thời điểm hiện nay, ngoại trừ dự án của Hợp tác xã nhà ở Gia Phú là còn duy trì được, còn những dự án kể trên đều bị chết yểu.
Loay hoay với chính sách
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - đặt vấn đề: "Nhà ở xã hội đã được quy định trong Luật Nhà ở và Nghị định 90 (ngày 6.9.2006), nhưng cho đến nay hầu như chưa triển khai được trên thực tế, trong lúc nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn và bức xúc. Nguyên nhân do đâu và cần có cơ chế chính sách, giải pháp gì để thực hiện?".
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, cần có một cơ quan của Chính phủ chủ quản chương trình nhà ở xã hội trong cả nước. Cơ quan đó có thể là cục hoặc tổng cục phát triển nhà ở thuộc Bộ Xây dựng hoặc Chính phủ để đủ sức điều phối chương trình nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu rất lớn và bức xúc của đông đảo người thu nhập thấp hiện nay. Điều này được minh chứng qua thực tế của TPHCM. Trong nhiều năm trước, TP đã cho khởi động một loạt các chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp, tuy nhiên sau đó không thể thực hiện được vì vướng vào 2 vấn đề là không có vốn và không có đất.
Sau đó, TP ban hành Chỉ thị 07, trong đó quy định điều tiết, đối với tất cả các dự án nhà ở trên địa bàn TP phải dành 20% quỹ căn hộ hoặc 10% quỹ đất bán lại cho TP theo giá bảo toàn vốn để TP đưa quỹ nhà đất này vào chương trình nhà ở xã hội. Thế nhưng sau đó, các DN kinh doanh nhà đất phản ứng kịch liệt, TP buộc phải bãi bỏ quy định này. Chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp chính thức bị khai tử.
Nghị định 90 cho phép UBND cấp tỉnh được quyết định bắt chủ đầu tư các dự án có quy mô từ 10ha trở lên có trách nhiệm dành một phần diện tích đất (không được quá 20%) đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội. Quy định này không khác với quy định trong Chỉ thị 07 của TPHCM trước đây. Đến khi triển khai vào thực tế thì không được vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn dự án xây dựng biệt thự cao cấp không thể chừa một lõm, một góc để dành cho người nghèo...
Thậm chí, chương trình xây dựng 30.000 căn hộ tái định cư phục vụ cho các dự án trên địa bàn TP với đầy đủ tính khả thi như vốn, đất có sẵn... theo kế hoạch phải hoàn thành vào cuối năm 2005, thế nhưng đến thời điểm này mới chỉ hoàn thành được 37%. Chương trình nhà ở xã hội được quy định trong Luật Nhà ở, Nghị định 90... tính cho đến thời điểm hiện nay đã gần 3 năm, thế nhưng trên thực tế vẫn chỉ loay hoay trên giấy chứ không thể đi vào cuộc sống.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động