Loay hoay tìm lối ra

Cập nhật 05/05/2010 15:40

Nhiều nông dân trẻ vùng ven đô Hà Nội mất đất, mất luôn nghề truyền thống, đang ngơ ngác giữa chốn thị thành. Trong khi đó, cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể vẫn loay hoay tìm giải pháp.

Nhiều nông dân trẻ vùng ven đô Hà Nội mất đất, mất luôn nghề truyền thống, đang ngơ ngác giữa chốn thị thành. Trong khi đó, cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể vẫn loay hoay tìm giải pháp.


Giới trẻ ven đô loay hoay tìm việc - Ảnh: Hải Yến

Theo điều tra của Thành Đoàn Hà Nội, mỗi năm Thủ đô có khoảng 4,5 vạn người đến tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 2,75 vạn người có việc làm thường xuyên, số còn lại thiếu việc làm, đa số là nông dân trẻ…

Bà Vũ Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (thuộc Sở LĐ-TB&XH), cho rằng, nhiều vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa mạnh khiến ngày càng nhiều lao động trẻ không còn đất canh tác.

Chỉ tính riêng huyện Hoài Đức có 10/20 xã, thị trấn đã và sẽ bị thu hồi hết đất nông nghiệp để phục vụ cho các dự án mới. Trong đó, các xã An Khánh, Lại Yên, Kim Chung và Vân Canh đã mất 100% đất nông nghiệp. Hậu quả của việc thu hồi đất tại đây tạo ra hàng vạn lao động dư thừa, trong đó một nửa là thanh niên…

Theo bà Thanh, tay nghề yếu cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều bạn trẻ vùng ven thất nghiệp sau quá trình chuyển đổi đất. “Hàng vạn lao động bị động, không chuẩn bị cho mình một cái nghề sau khi đất bị thu hồi”, bà Thanh nói.


Đất này trước đây là ruộng đồng - Ảnh: Phú Gia

Đánh giá của Thành Đoàn Hà Nội cũng cho thấy đa phần lao động trẻ ở vùng bị thu hồi đất chưa được trang bị kỹ kiến thức về nghề nghiệp, chưa được định hướng và đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu mới…

Anh Nguyễn Đình Trung, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, Thành Đoàn Hà Nội, cho biết thành phố có cơ chế, có quỹ học nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, nhưng vấn đề là phải định hướng cho họ học nghề gì để có công việc, thu nhập ổn định.

Mỗi năm xã An Khánh (Hoài Đức) tổ chức 2-3 lớp học nghề cho hàng trăm lao động, nhưng chưa hiệu quả, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành.

Trong khi đó, các mô hình kinh tế do bạn trẻ tự lập như xưởng dệt của anh Bùi Quang Hoạch (thôn An Thọ), cơ sở sản xuất giường gấp của anh Bùi Thế Sơn (thôn Phú Vinh), cùng hàng loạt xưởng gia công đồ gỗ mỹ nghệ khác… thu hút hàng trăm lao động trẻ.
Theo anh Trung, xu hướng giới trẻ ven đô muốn làm giàu ngày càng chiếm ưu thế và chính họ tạo ra nhiều việc làm cho thanh niên địa phương. Hiện thành phố có trên 1.000 mô hình sản xuất kinh doanh của bạn trẻ vùng ven đô, tạo ra hàng chục nghìn việc làm, nhưng họ thiếu vốn trầm trọng.

“Vốn vay giải quyết việc làm từ ngân hàng chính sách chỉ được tối đa 20 triệu đồng/ trường hợp. Con số này quá ít và tối thiểu phải được vay 50 triệu đồng”, anh Trung nói.

Thành Đoàn Hà Nội gần đây trình Thành phố đề án Xây dựng quỹ vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên với nguồn vốn ban đầu 50 tỷ đồng, mỗi năm bổ sung 10 tỷ đồng.

Đầu tháng 4-2010, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các ngành chức năng theo hướng thay vì thành lập quỹ, sẽ tạo điều kiện cho một số dự án điển hình của thanh niên được vay vốn từ 100 - 500 triệu đồng.

Cùng với câu chuyện tìm vốn, hoạt động tìm việc được đẩy mạnh. Bà Vũ Thị Thanh cho hay trung bình mỗi phiên giao dịch việc làm do trung tâm tổ chức tại số 285 - Trung Kính (Yên Hòa, Cầu Giấy), giới thiệu được 600 - 700 lao động trẻ cho các doanh nghiệp trong số gần 3.000 người đăng ký. Số bạn trẻ còn lại chưa được tuyển chủ yếu do tay nghề, trình độ còn yếu.

>>Chuyện buồn giới trẻ ven đô

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong