Đằng sau những cú giảm giá “sốc” của BĐS thời gian qua thị trường vẫn quẩn quanh với câu hỏi chủ đầu tư giảm giá hay cắt lỗ? Giá trị BĐS đến thời điểm này vẫn chỉ là những con số mang đầy hoài nghi.
Giảm giá đang được coi là cách duy nhất để các doanh nghiệp BĐS thoát khó.
|
Giá ảo?
Sau những chuỗi ngày BĐS ngụp lặn trong cảnh chợ chiều đóng băng, tháng 9 vừa qua thị trường đã trỗi dậy bắt đầu bằng 2 cú sốc mang tên Phát Đạt và Novaland. Phát súng từ phân khúc cao cấp nổ ra khi các đại gia lần lượt tuyên bố giảm giá tới gần 50% tại dự án
The EverRich 3 và dự án
Sunrise City.
Khi thị trường BĐS TP.HCM vẫn chưa thôi bàn luận về đợt giảm giá "gây sốc" của Novaland và Phát Đạt thì mới đây ở phân khúc căn hộ bình dân, công ty cổ phần đầu tư Chương Dương cho biết sẽ giảm giá bán căn hộ tại
dự án Tân Hương Tower (Tân Phú, TP.HCM) từ 10 - 20% so với giá công bố trước đây. Theo đó, giá căn hộ giảm giá từ 15,3 xuống còn 12,5 triệu đồng/m2.
Giảm giá đang được coi là cách duy nhất để các doanh nghiệp BĐS thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. Tùy từng phân khúc, từng dự án mà chủ đầu tư đưa ra những mức giảm nhằm thu hút sức mua của khách hàng. Tại phân khúc cao cấp làn sóng giảm giá diễn ra mạnh với mức giảm sâu từ 40 – 60%, phân khúc căn hộ cấp thấp cũng có sự chuyển dịch giảm từ 10 – 30%.
Nhìn nhận từ đợt giảm giá lần này nhiều người cho rằng từ đây sẽ khơi nguồn cho một đợt giảm giá mới thậm chí là giảm giá sâu trên thị trường. Tuy nhiên cũng có chuyên gia nhận định việc giảm giá này chỉ là cách để chủ đầu tư cạnh tranh bán được hàng chứ không phải thị trường BĐS đang có 1 đợt giảm giá sâu như vậy.
Loanh quanh với những tranh cãi thời gian qua, đằng sau những cú giảm giá “sốc” của BĐS, nhà đầu tư vẫn hoài nghi với câu hỏi chủ đầu tư giảm giá thật không? Có thể tuyên bố giảm giá 30 – 40 – 50% thậm chí đến 70% nhưng đó là con số giảm giá hay cắt lỗ thì chỉ có doanh nghiệp mới biết.
Qua thời kỳ hoàng kim với những những chiêu thổi giá BĐS bước vào thời kỳ đóng băng lại hò nhau giảm giá “sốc”. Bước chững của thị trường thời gian qua đang được coi là điểm lùi cần thiết để lập lại mặt bằng giá trị thực cho BĐS. Nhưng xem ra từ thời thổi giá tạo ra những cơn sốt ảo đến khi giảm giá thì địa ốc vẫn chưa thoát khỏi sự tù mù về giá.
Cuộc đua giảm giá mới?
Thị trường BĐS vẫn được coi là nguồn sữa mang lại lợi nhuận siêu khủng. Chính từ mức lợi nhuận siêu khủng một thời càng khiến việc nhìn nhận về giá trị thực của thị trường càng trở lên mơ hồ. Từ mức giá “trên trời” chỉ bằng một cú hạ giá 50%, giá liệu đã thực sự tiếp đất trở về giá trị thực hay còn cần đến hai, ba cú “sốc” như thế?
Việc xác lập đáy đưa sản phẩm về giá trị thực là một trong những bước tạo dựng niềm tin kéo khách hàng về lại thị trường. Dứt khoát bằng việc giảm giá không mơ hồ trong vòng quay khuyến mại là cái nhìn thực tế của nhiều chủ đầu tư. Nhưng giảm giá thật hay không lại là chuyện của doanh nghiệp thì niềm tin của nhà đầu tư bao giờ trở lại?
Theo ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành thị trường sẽ vẫn còn tiếp tục phải giảm giá bởi đây là phương án duy nhất cho các doanh nghiệp. Theo những cú sốc của thị trường thời gian qua thị trường có bước vào một cuộc đua giảm giá mới?
Sau mỗi lần thị trường diễn ra làn sóng giảm giá mới, thêm những ý kiến, những nhận định tiếp tục được đưa ra nhưng thực tế thị trường vẫn chưa chuyển biến được nhiều. Nhà đầu tư chạy theo cuộc đua địa ốc, doanh nghiệp hò nhau giảm giá, lớn tiếng gọi đáy nhưng thị trường vẫn loạn trong những con số mà thiếu những con số thực. Niềm tin của khách hàng vẫn đóng băng quanh những hoài nghi về giá.
DiaOcOnline.vn - Theo VietNamNet