Lo ngại “vẽ” đẹp nhưng làm không đẹp

Cập nhật 12/05/2010 09:10

Tại sao phải dời trụ sở Chính phủ, các bộ đến chân núi Ba Vì? Lấy đâu ra 90 tỉ USD xây dựng hạ tầng kỹ thuật? Làm sao đảm bảo quy hoạch được thực hiện nghiêm khi mà việc phá vỡ quy hoạch dường như đã trở thành “truyền thống”?...

Nguyên nhân do kỷ luật hành chính không nghiêm, mỗi địa phương mỗi anh “làm vua”, quy hoạch có nhưng ở dưới tùy tiện.

Tại sao phải dời trụ sở Chính phủ, các bộ đến chân núi Ba Vì? Lấy đâu ra 90 tỉ USD xây dựng hạ tầng kỹ thuật? Làm sao đảm bảo quy hoạch được thực hiện nghiêm khi mà việc phá vỡ quy hoạch dường như đã trở thành “truyền thống”?... Phiên họp ngày 11-5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2050 đã trở thành “phiên chất vấn” Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân với những nội dung chủ yếu nêu trên.

Không nên tách trung tâm hành chính khỏi chính trị

Đề xuất của đồ án dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì (trung tâm chính trị quốc gia gồm trụ sở Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội vẫn ở Ba Đình) tiếp tục vấp phải sự băn khoăn của các đại biểu. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền phản biện: Đặt trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì không phù hợp cả về mặt lịch sử, văn hóa, quốc phòng lẫn an ninh. Cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước tách riêng trung tâm hành chính và trung tâm chính trị có hiệu quả không.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn đặt câu hỏi: Trung tâm hành chính khác trung tâm chính trị chỗ nào? Sau năm 2050, Chính phủ lên Ba Vì, cách Ba Đình hàng chục km, đi lại mất nhiều thời gian thì ảnh hưởng gì đến trung tâm chính trị? Đó là chưa kể một số bộ, cơ quan trung ương đã và đang xây dựng trụ sở làm việc mới như Bộ Ngoại giao (xây dựng ở Mỹ Đình), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an.


Một góc thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình bày tỏ chính kiến, trung tâm hành chính quốc gia nên gắn với trung tâm chính trị, không nên tách ra như đồ án.

Trước các ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân xoa dịu: Yêu cầu của quy hoạch là phải mang tính dự báo. Đồ án đặt ra quỹ đất dự trữ cho tương lai 2050 ở Ba Vì bởi phía đông núi Ba Vì là địa linh, đồng thời phù hợp với mục tiêu mở rộng đất đô thị về phía tây. Ông còn dẫn chứng Nam Phi có thủ đô lập pháp, thủ đô hành pháp riêng…

Quản không nghiêm, quy hoạch sẽ vỡ


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi: “Bộ trưởng đánh giá khả năng giữ quy hoạch như thế nào? Nhiều lần chúng ta có quy hoạch, thuyết minh rầm rộ nhưng kết quả ra sao?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình thẳng thắn: “Ở ta vẽ thiết kế, quy hoạch đẹp nhưng làm không đẹp. Vẽ thiết kế nhưng không thực hiện đúng như thế”. Theo ông, nguyên nhân do “kỷ luật hành chính của ta không nghiêm, mỗi địa phương mỗi anh “làm vua”. Quy hoạch có nhưng ở dưới tùy tiện”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý nếu không quản lý nghiêm thì quy hoạch sẽ bị phá vỡ. Hậu quả, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, là lãng phí rất lớn tiền của nhà nước, nhân dân.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân phân trần: “Tổ chức, thực hiện quy hoạch phụ thuộc thời gian về sau, vào các cấp, các ngành và con người chứ không chỉ phụ thuộc vào tư vấn thiết kế, quy hoạch. Cho nên “vẽ đẹp, làm đẹp” thực sự là vấn đề lớn”.

Quốc hội tư vấn cho Chính phủ?

Chủ trì thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: Đồ án không phải là văn bản trình Quốc hội quyết định, mà là trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến để Thủ tướng chỉ đạo hoàn chỉnh và phê duyệt.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng băn khoăn: Vậy tính pháp lý của việc trình đồ án ra Quốc hội là gì? Đồ án rất lớn về quy mô, diện tích, môi trường, dân số, đặc biệt là tài chính. Đối chiếu với Nghị quyết 66/2006, có phải là dự án trình Quốc hội quyết chủ trương đầu tư hay không? Trong luật có quy định việc đại biểu Quốc hội góp ý để Thủ tướng quyết định không?

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình cũng nói: “Vậy chẳng lẽ Quốc hội tư vấn cho Thủ tướng quyết hay sao? Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, theo tôi Quốc hội nên có nghị quyết về đồ án này…”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền giải thích: Đây là đồ án quy hoạch, chỉ dự báo nguồn vốn, không phải là dự án đầu tư nên không thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 66/2006...

Đừng để mất nguồn lực nhà nước

Ngoài vốn nhà nước, phải huy động tiềm lực tự có của Hà Nội là quỹ đất. Đây là nguồn tài chính lớn. Tuy nhiên, nếu quản lý khai thác không tốt sẽ biến thành nguồn lực của chủ thể khác chứ không phải nhà nước.- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Tránh tạo đột biến về giá nhà đất


Cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích làm sai lệch định hướng đồ án. Phải công bố nội dung bản quy hoạch để tránh xáo trộn tâm lý nhân dân, tránh lợi dụng và tạo đột biến về giá nhà đất. - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiên
 


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP